Giao thông làm động lực
Xác định "giao thông đi trước mở đường" những năm qua, tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch, làm cầu kết nối để làm động lực phát triển kinh tế vùng, phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tuyến đường liên kết vùng khó đã và đang được tổ chức thi công trên toàn tỉnh. Điển hình như đường ĐH18, ĐH07 qua địa bàn xã Minh Thanh (Sơn Dương) đầu tư sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí 72 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đường Phúc Thịnh - Trung Hà - Bản Ba (Chiêm Hóa) với kinh phí 198 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ đầu cầu Nẻ đến Trường THPT Na Hang (Na Hang) kinh phí 105 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT.188 đoạn Km48 + 00 - Km86 + 300, huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình với kinh phí 598,9 tỷ đồng; Dự án đường giao thông từ xã Tân Long - Tân Tiến - Trung Trực (Đỉnh Mười) - xã Kiến Thiết (Yên Sơn) kinh phí 160 tỷ đồng...
Đường ĐH02 qua xã Lương Thiện (Sơn Dương) được đầu tư nguồn vốn 135.
Tuyến đường ĐT.188 đoạn Km48 + 00 - Km86 + 300, huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình, được đầu tư kinh phí 598,9 tỷ đồng đang được thi công nước rút hoàn thành. Tuyến đường tạo động lực phát triển 8 xã, thị trấn của huyện Chiêm Hóa và huyện Lâm Bình. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi (TCVN 4054 - 2005), nền đường được mở rộng 9 m gồm mặt đường nhựa rộng 6 m, lề đường mỗi bên rộng 1,5 m, trong đó phần gia cố lề mỗi bên rộng 1 m như kết cấu mặt đường. Giai đoạn 1 sẽ triển khai 3 gói thầu thi công gồm liên doanh các nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng, Công ty TNHH Hiệp Phú, Công TNHH Thịnh Hưng, Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Trường Lộc, Công ty TNHH Tỉnh Đào...
Anh Đinh Văn Quỳnh, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng cho biết, công ty đảm nhiệm thi công đoạn tuyến từ Km 49+00 đến Km 57+00, giá trị hợp đồng gần 75 tỷ đồng. Công ty đã huy động toàn bộ máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công do nền đường bị sạt mái taluy phải chỉnh tuyến nên tiến độ bị chậm. Đến nay, chủ đầu tư đang đôn đốc nhà thầu khẩn trương thi công, đảm bảo hoàn thành công trình theo tiến độ đã cam kết.
Cây cầu bắc qua sông Phó Đáy tại thôn Bum Kẹn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) được đầu tư kinh phí xây dựng gần 14,8 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 72m gồm 3 nhịp 24m, dầm chữ I bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều rộng mặt cầu 6,5m (phần xe chạy rộng 5,5m, lan can rộng 1m). Đường dẫn cầu có chiều dài trên 400m, lòng đường rộng 3,5m, lề đất mỗi bên rộng 0,75m, đang được tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành trước Tết nguyên đán Quý Mão. Ông Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết: Công trình hoàn thành sẽ giúp cho gần 190 hộ dân, 900 nhân khẩu đồng bào Mông, Dao, Nùng ở hai thôn Bum Kẹn, Khuổi Ma được hưởng lợi trực tiếp. Đồng thời cây cầu cũng kết nối xã ATK Hùng Lợi (Yên Sơn) với xã ATK Trung Yên ( Sơn Dương), tạo thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng hàng nghìn ha của hai xã, góp phần bảo đảm an sinh xã hội vùng đặc biệt khó khăn.
Tuyến ĐT 188 đoạn qua xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) vừa được cải tạo
Cùng với nâng cấp, cải tạo các tuyến đường lớn, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Qua gần 2 năm, tỉnh đã hoàn thành xây dựng trên 50 cây cầu và trên 400 km đường bê tông nội thôn, nội đồng. Tỉnh phấn đấu bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường thôn và đường nội đồng; xây dựng ít nhất 200 cầu với kinh phí 1.000 tỷ đồng ở tất cả các thôn bản vùng sâu, vùng xa vào năm 2025.
Ưu tiên công trình phục vụ sản xuất
Cùng với đầu tư hạ tầng giao thông thì tỉnh đã ưu tiên đầu tư hạ tầng sản xuất. Từ sự đầu tư này, nhiều địa phương đã phát triển sản xuất hiệu quả.
Huyện vùng cao Lâm Bình quan tâm kiên cố hóa 51,79 km kênh mương, đảm bảo trên 83% diện tích đất canh tác được tưới tiêu chủ động; bê tông hóa gần 20 km đường giao thông nội đồng. Các công trình đều đang phát huy hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất tại địa phương.
Trên các cánh đồng của xã Lăng Can, bà con nông dân đang dọn tuyến mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn dài trên 500m để dẫn nước tưới cho cây trồng vụ đông. Bà Quàng Thị Xuân, thôn Nà Mèn, xã Lăng Can phấn khởi bảo, hệ thống mương lắp đặt bằng bê tông đúc sẵn đã phát huy hiệu quả tốt. Cấu tạo lòng máng với bề mặt mương trơn nhẵn làm tăng lưu lượng dẫn nước, ít xảy ra hiện tượng rò rỉ, thất thoát nước và dễ nạo vét bùn đất bồi lắng lòng mương. Nhờ vậy, vụ đông năm nay bà không để đất nghỉ. Với 700 m2 đất lúa 2 vụ bà đã trồng các loại rau màu vụ đông. Mỗi năm tăng thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng từ trồng rau vụ đông. Còn bà Nguyễn Thị Huế, thôn Phai Tre, xã Lăng Can cho biết, gia đình có 3.000 m2 đất trồng lúa, trước đây khi chưa có kênh mương dẫn nước, canh tác rất khó khăn, từ cuối năm 2018 đến nay có nguồn nước đảm bảo, cây lúa phát triển hơn.
Đập Nình Dân xã Bình Yên (Sơn Dương) vừa được đầu tư.
Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện, thì các nguồn vốn đầu tư của nước ngoài cũng được tỉnh ưu tiên đầu tư cho hạ tầng sản xuất vùng khó khăn. Ông Nguyễn Thiện Tuyên, Giám đốc Ban Điều phối Dự án nước ngoài cho biết: Đơn vị đang làm chủ đầu tư 20 công trình, trong đó 15 công trình dành cho phát triển sản xuất. Hiện nay đã có 7 công trình hồ đập, kênh mương, đường vào khu sản xuất hoàn thành, 5 công trình đang được tập trung thi công gồm: Đường liên thôn, đường ra khu sản xuất, đường liên thôn và đường ra khu sản xuất xã Bình Yên (Sơn Dương); đường ra khu sản xuất xã Trung Sơn và xã Phúc Ninh (Yên Sơn); đường ra khu sản xuất xã Hà Lang (Chiêm Hóa; đường liên thôn và đường ra khu sản xuất xã Lăng Can và xã Thổ Bình (Lâm Bình); đường liên thôn xã Sinh Long (Na Hang). Ban cũng đang chuẩn bị khởi công 2 công trình cải tạo nâng cấp kênh Lập Binh, xã Bình Yên; hồ chứa Khuôn Mản, xã Lương Thiện và công trình Hồ chứa Cây Châm 1, xã Hợp Hòa (Sơn Dương). Những công trình này đều là công trình thiết yếu, cần được đầu tư để thúc đẩy sản xuất, tạo sinh kế cho người dân vùng khó khăn.
Những công trình đã và đang được đầu tư tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đều là công trình thiết yếu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên đã phát huy được nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của tỉnh. Từ đó, nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, góp sức chung cho sự phát triển của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết