Vận động viên trẻ Nhi Yến (ngoài cùng, bên trái) thi đấu tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023.
Tại SEA Games 32, điền kinh đã không thể bảo vệ ngôi đầu Ðông Nam Á khi chỉ giành 12 Huy chương vàng (HCV) trong khi đối thủ Thái Lan đoạt 16 HCV. Thất bại nặng nề nhất với điền kinh Việt Nam là tại ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 10 vừa qua, đội tuyển điền kinh Việt Nam ra về tay trắng (ở kỳ đại hội trước đó, Việt Nam còn giành được HCV ở nội dung nhảy xa của VÐV Bùi Thị Thu Thảo).
Thế nhưng, sau Giải điền kinh vô địch quốc gia 2023 tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, Bùi Thị Thu Thảo đã chính thức chia tay đội tuyển quốc quốc gia để lại khoảng trống chưa biết bao giờ có thể lấp đầy. Thu Thảo là ngôi sao sáng nhất trong làng điền kinh Việt Nam. Thành tích tốt nhất của Thu Thảo giành là HCV SEA Games 30 năm 2017 với kỷ lục 6,68m. Cũng trong năm 2017, Thảo vô địch giải điền kinh châu Á với thành tích 6,54m.
Ðáng chú ý, ở ASIAD 18 tổ chức tại Indonesia, cô cũng là VÐV đầu tiên trong lịch sử điền kinh Việt Nam giành chiếc HCV nhảy xa với thành tích 6,55m. Thêm vào đó, nhà vô địch chạy 400m và 400m rào, Nguyễn Thị Huyền, “tượng đài” suốt một thập niên qua cũng đã từ giã đội tuyển quốc gia ở tuổi 30. VÐV quê Nam Ðịnh này đã giành đến 13 HCV ở nội dung cá nhân và tiếp sức tại SEA Games.
Ở đội tuyển điền kinh, trụ cột Nguyễn Thị Oanh, người giành HCV ở ba kỳ SEA Games liên tiếp trong ba năm 2019, 2022, 2023 cũng đã qua thời đỉnh cao. Hiện đã 28 tuổi, Nguyễn Thị Oanh sẽ còn cống hiến cho đội tuyển quốc gia ở SEA Games chứ rất khó vươn tầm châu lục.
Tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2023 vừa qua, nổi bật nhất là VÐV 18 tuổi Trần Thị Nhi Yến đến từ Long An đã tỏa sáng ở nội dung chạy 100m, 200m. Ðây là phát hiện mới của điền kinh Việt Nam, Nhi Yến thi đấu nổi bật từ Ðại hội thể thao toàn quốc 2022 chỉ sau bốn tháng tập điền kinh chuyên nghiệp nhờ sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thị Thanh Hương (chính là thầy của VÐV cự ly ngắn Lê Tú Chinh) bất ngờ giành HCV chạy 100m (11 giây 75).
Thành tích tốt nhất của Nhi Yến là 11 giây 55 trên đường chạy 100m tại Giải vô địch châu Á 2023. Ðiều đáng nói là suốt quãng thời gian khá dài vừa qua, VÐV này chưa được đầu tư trọng điểm bởi thế thành tích chưa có bước tiến lớn. Rất mừng là mới đây, Cục trưởng Thể dục-Thể thao Ðặng Hà Việt đã khẳng định ngành thể thao sẽ đầu tư đặc biệt với Nhi Yến nhằm mục tiêu cụ thể là đạt thành tích dưới 11 giây 30 trong khoảng hai, ba năm tới.
Một trong những nguyên nhân khiến điền kinh Việt Nam tụt dốc là không được đầu tư đúng mức, bởi dù là môn thể thao cơ bản, nhưng chủ yếu chỉ có thể tranh chấp nhiều HCV ở đấu trường SEA Games, rất khó giành HCV châu lục chứ chưa nói tới thế giới và Olympic. Việc đội tuyển điền kinh Việt Nam không có chuyên gia nước ngoài cũng đã cho thấy sự thiếu quan tâm so với nhiều môn khác.
Ðể phát triển thể thao Việt Nam nói chung và điền kinh Việt Nam nói riêng cần thay đổi cả một hệ thống đào tạo, khởi đầu là thể thao học đường vì nước ta chưa đủ kinh phí để đào tạo “gà nòi” từ trước khi vào tiểu học.
Bởi thế rất khó tìm kiếm các tài năng trẻ xuất sắc từ lứa tuổi tiểu học mà thường là ở bậc phổ thông trung học và khi đó việc tập huấn đã bị muộn so với yêu cầu của thể thao đỉnh cao. Việc dàn trải trong đầu tư ở các môn thể thao khiến nguồn kinh phí không có nhiều cho các môn cơ bản Olympic, trong đó có điền kinh và những VÐV tài năng hướng tới đấu trường thế vận hội.
Ðiền kinh Việt Nam nhiều khả năng sẽ có hai kỳ Olympic liên tiếp không có VÐV nào đạt chuẩn tham dự. Ðiều này cho thấy sự tụt hậu đã diễn ra trong thời gian dài. Ðể vực dậy và thúc đẩy điền kinh phát triển, cần có những thay đổi mạnh mẽ, đầu tư trọng điểm và sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quản chủ quản lẫn các nguồn lực xã hội hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết