Quang cảnh Phiên hội thảo chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thể chế.
Tham dự Phiên hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội..
Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các địa phương; Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thường trực trực thuộc Trung ương; các Viện nghiên cứu; các Hiệp hội; các trường Đại học; Đại sứ một số nước, tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; lãnh đạo một số Tập đoàn, doanh nghiệp và các chuyên gia, các nhà khoa học…
Quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết có ba xu hướng lớn toàn cầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thể chế của Việt Nam, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự tăng tốc của nền kinh tế số, sự gia tăng mạnh mẽ của các sáng kiến xanh. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tiếp tục có những tác động mạnh mẽ đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Bối cảnh này đặt ra những yêu cầu đặc biệt, thậm chí là chưa từng có đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thi hành pháp luật để thực hiện có hiệu quả yêu cầu về cải cách, hoàn thiện thể chế. Trong đó, không chỉ yêu cầu hướng tới khắc phục, giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây nên mà còn phải tận dụng được những yếu tố thời cơ, thuận lợi, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiến tới phục hồi và phát triển với tư duy mới và tầm chiến lược mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên hội thảo.
Trước bối cảnh và những yêu cầu nói trên, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) xác định mục tiêu công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV là “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025... Tập trung thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối được xác định tại các văn kiện Đại hội XIII để hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm…”.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu đã đặt ra trong Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần tiếp tục quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản như tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật…
Cơ chế giá đất cho phát triển bất động sản phải phù hợp với giá trị thị trường đất đai
Chia sẻ tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu rõ bất động sản là tài sản có giá trị lâu bền, không thể di dời gắn liền với đất đai. Đất đai là tiền đề và là yếu tố cấu thành của bất động sản, bất cứ bất động sản nào cũng phải gắn với đất đai. Do vậy, các yếu tố kinh tế và pháp lý đất đai luôn là cơ sở nền tảng có vai trò quyết định đối với các hoạt động phát triển, các quyền năng, giá trị kinh tế của bất động sản, có tác động trực tiếp tạo ra những biến động của thị trường bất động sản.
Từ góc nhìn về tác động của các chính sách pháp luật đất đai đến thị trường bất động sản như trên, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho rằng cơ chế giá đất cho phát triển bất động sản phải xác định phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và sử dụng cơ chế thị trường trong lựa chọn các nhà đầu tư dự án phát triển bất động sản.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho rằng cơ chế giá đất cho phát triển bất động sản phải xác định phù hợp với giá trị thị trường của đất đai.
Nhà nước phải trực tiếp thực hiện thu hồi và đền bù giải phóng mặt bằng theo cơ chế thống nhất đối với mọi dự án đầu tư phát triển bất động sản có quyết định phê duyệt đầu tư của Nhà nước. Cụ thể, người dân có đất thu hồi được hưởng chính sách bồi thường và tái định cư thống nhất, bảo đảm tái lập cuộc sống tốt hơn sau tái định cư; doanh nghiệp có đất sạch để triển khai đầu tư thực hiện dự án mà không gặp phải những vướng mắc như cơ chế tự thoả thuận; Nhà nước sẽ thu hồi được giá trị địa tô chênh lệch từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi giao đất cho nhà đầu tư phát triển bất động sản.
Bên cạnh đó, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất dành cho phát triển các công trình và dự án bất động sản phải phù hợp với chiến lược phát triển thị trường bất động sản để bảo đảm các dự án bất động sản được triển khai theo đúng tiến độ và đáp ứng đúng các nhu cầu về bất động sản phù hợp với qui mô, mức độ phát triển kinh tế-xã hội.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, cần kiểm soát năng lực tài chính của nhà đầu tư phát triển bất động sản, tham gia đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để tránh tình trạng dự án bỏ hoang chậm tiến độ, đất đấu giá cao rồi bỏ cọc. Đồng thời, phát triển các kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản theo hướng bền vững như quỹ tín thác đầu tư bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm.
Hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với bối cảnh mới
Nhìn lại nhìn lại quá trình 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013 và so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết Luật đất đai 2013 có chủ trương chủ đạo về cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, từ đó đưa đất ra đấu giá để có thể thu được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhiều hơn cho Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá là rất khó khăn. Quỹ phát triển đất không đủ để giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất mà chưa có nhà đầu tư ứng tiền trước.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ trình bày tham luận tại Phiên hội thảo.
Mặt khác, cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là điều khó thực hiện, nhất là khu vực đã thu hồi đất không được các nhà đầu tư quan tâm. Từ đó, dẫn đến việc đất đai sẽ rơi vào tình trạng lãng phí do thu hồi rồi mà không thể đưa vào sử dụng.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ nêu vấn đề: trong suốt 10 năm qua, Luật Đất đai 2013 không quy định về khái niệm “giá đất thị trường”. Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng chênh lệch giá đất giữa giá nhà nước và giá thị trường làm cho ngân sách nhà nước thiệt hại, nhiều nhà quản lý rơi vào vòng lao lý, nhiều người dân bị thu hồi đất bất bình…, nhưng việc tìm ra nguyên nhân để sửa lại không hề đơn giản vì không có khái niệm pháp luật rõ ràng về “giá đất thị trường”.
Để hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với bối cảnh mới, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai phải được coi là một yếu tố quan trọng, có tác động lớn đến việc đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp hiện nay thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Cùng với đó, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần thảo luận thêm một số vấn đề khác như quản lý sử dụng đất đa mục đích; hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai dạng địa chính 3D, 4D; chuyển đổi số trong quản lý đất đai; hoàn thiện cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Gửi phản hồi
In bài viết