Dự Hội nghị có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Tại Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; hoàn thiện các quy định về quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; phát triển cho học sinh, sinh viên những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm; xây dựng môi trường thân thiện, không bạo lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Tại Tuyên Quang, trong thời gian qua, ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan đã thực hiện tốt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh. Việc giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên về tình cảm, tình yêu quê hương đất nước, truyền thống cách mạng… được quan tâm. Từ đó bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc, góp phần phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, văn hoá học đường chính là vấn đề quan trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực - những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, tinh thần của hội nghị hôm nay cần được lan tỏa, triển khai rộng rãi trong các nhà trường, được cụ thể hoá thành các hành động cụ thể để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh, sinh viên nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo lập được giá trị bản thân, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước…
Gửi phản hồi
In bài viết