Người tiêu dùng mua sắm trong phiên chợ hàng Việt Nam tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: LÊ NAM
90% người tiêu dùng đã nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp trong nước cung ứng. Tâm lý thích dùng hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, chuyển từ bị động sang tự nguyện lựa chọn sử dụng hàng Việt thay cho các mặt hàng mác ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ như trước đây. Hệ thống phân phối hàng hóa từ siêu thị, trung tâm thương mại đến chợ truyền thống đã ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước cung ứng tới người tiêu dùng.
Để có được kết quả đó, tỉnh Nam Định xác định trọng tâm của cuộc vận động gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, doanh nghiệp; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, các ngành chức năng đã tổ chức khảo sát, điều tra thị trường tiêu dùng làm cơ sở ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp định hướng phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: “Tôn vinh hàng Việt”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”..., cùng với các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động như “Thanh niên Việt Nam đồng hành cùng hàng Việt Nam”; “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động”… Giai đoạn 2021 - 2025, Nam Định phấn đấu giữ thị phần hàng Việt Nam với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại và hơn 80% tại các kênh phân phối truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết