Ảnh minh họa
Thông tin về tình hình thực hiện công tác thuế tháng 7, Tổng cục Thuế cho biết, trong những tháng cuối năm tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, cơ quan Thuế tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thu ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. Thực hiện tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thuế tháng 7 năm 2023 cho thấy, ước thực hiện thu ngân sách Nhà nước do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 118.200 tỷ đồng, đạt 8,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 90,5% so cùng kỳ.
Cụ thể: thu từ dầu thô ước đạt 4.800 tỷ đồng, bằng 11,4% so với dự toán, bằng 54,1% so cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 82 USD/thùng, bằng 117,1% so với giá dự toán, bằng 64,7% so cùng kỳ, sản lượng ước đạt 700 ngàn tấn, bằng 8,8% dự toán, bằng 89,6% so với sản lượng cùng kỳ.
Thu nội địa ước đạt 113.400 tỷ đồng, bằng 8,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 93,1% so cùng kỳ.
Ước thực hiện thu ngân sách Nhà nước lũy kế 7 tháng đầu năm do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 868.624 tỷ đồng, bằng 63,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 94,5% so cùng kỳ.
Cụ thể: thu từ dầu thô ước đạt 35.977 tỷ đồng, bằng 85,7% so dự toán, bằng 80,2% so cùng kỳ trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 86,2 USD/thùng, bằng 123,1% so giá dự toán, bằng 81,8% so cùng kỳ, sản lượng ước đạt 5.011 triệu tấn, bằng 62,6% dự toán, bằng 96,9% so với sản lượng cùng kỳ.
Thu nội địa ước đạt 832.647 tỷ đồng, bằng 62,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 95,2% so cùng kỳ.
Thu thuế, phí nội địa ước đạt 668.265 tỷ đồng, bằng 62,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 98,7% so cùng kỳ.
Có 14/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 60%); có 6/20 khoản thu đạt dưới mức 60%. Có 13/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so cùng kỳ; có 7/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ (Thuế bảo vệ môi trường ước bằng 61,7%; Lệ phí trước bạ ước bằng 72,7%; Thu tiền sử dụng đất ước bằng 42,2%; Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước bằng 66,7%). Có 27/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt cao hơn 60%; Có 36/63 địa phương tiến độ thu đạt thấp (dưới 60%).
Kết quả thực hiện các chức năng quản lý thuế cho thấy, về công tác hoàn thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn, đồng thời đẩy mạnh kiểm soát công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
7 tháng đầu năm 2023, Cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỷ đồng, bằng 39% so với kinh phí hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt, bằng 85% cùng kỳ năm 2022.
Trong công tác thanh tra kiểm tra thuế, tính đến hết tháng 7 năm 2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 32.711 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 40,8% kế hoạch năm 2023 và bằng 96,5% so cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 335.655 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 93,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 32.866,2 tỷ đồng, bằng 151,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với công tác quản lý nợ thuế, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 7/2023 là 151.325 tỷ đồng, giảm 0,4% so với thời điểm ngày 30/6/2023, tăng 2,4% so với thời điểm ngày 31/12/2022.
Lũy kế tính đến cuối tháng 7/2023 ước thu được 25.608 tỷ đồng. Thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội lũy kế đến cuối tháng 7/2023 ước đạt 37.059 tỷ đồng. Trong đó: Xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.983 tỷ đồng; Xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 8.076 tỷ đồng.
Về việc triển khai hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế cho biết, tổng số lượng hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý là hơn 4,52 tỷ hóa đơn, trong đó 1,34 tỷ đồng hóa đơn có mã; hơn 3,18 tỷ hóa đơn không mã. Tính đến 17/7/2023, đã có 27.433 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn có mã khởi tại từ máy tính tiền là 13,9 triệu hóa đơn.
Đến nay, 100% Cục Thuế đã hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn với 4 kỳ quay thưởng và tiếp tục thực hiện lựa chọn hóa đơn may mắn quý II/2023 từ tháng 7/2023. Đã có 6.000 giải thưởng được trao với tổng số tiền là 14.130 triệu đồng.
Có 504.342 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile với 473.995 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 1.511,5 tỷ đồng
Đáng lưu ý, việc chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử”, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành hóa đơn điện tử, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.
Đối với công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử, đã có 58 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Tổng số thu ngân sách Nhà nước các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp trên cổng thông tin điện tử từ 1/1/2023 đến nay là 3.405 tỷ đồng (trong đó: thuế giá trị gia tăng là 1.717 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 1.688 tỷ đồng).
Đối với cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước, đến 17/7/2023, đã có 334 sàn thương mại điện tử gửi dữ liệu cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, trong đó có nhiều sàn thương mại điện tử chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki.
Trong tháng 8, bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách Nhà nước.
Ngành thuế xác định nhiệm vụ sẽ tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài: Kịp thời giải quyết các vướng mắc để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; Đề xuất các nội dung nâng cấp cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài báo cáo Tổng cục Thuế và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 của cơ quan Tổng cục Thuế đã được phê duyệt và Kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2023 của cơ quan Tổng cục Thuế.
Ngoài ra, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hóa đơn điện tử. Đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế.
Tiếp tục triển khai theo tiến độ các đề án điện tử hóa như: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh; tiếp tục triển khai khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô-tô, xe máy; thí điểm khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà; đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ tra cứu, đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế là cá nhân, đặc biệt là tập trung tuyên truyền, phổ biến sử dụng ứng dụng Etax Mobile; nghiên cứu phương án kết nối với các ngân hàng thương mại để có đầy đủ dữ liệu về người nộp thuế, đảm bảo kiểm soát đầy đủ thu nhập, nghĩa vụ thuế, tránh thất thu ngân sách Nhà nước.
Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ, triển khai thành công hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn 2 trên toàn quốc. Tiếp tục nghiên cứu giải pháp áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng,... nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Đáng lưu ý, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối với các Bộ, ngành liên quan, Văn phòng công chứng để chia sẻ dữ liệu nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; Tổ chức triển khai ứng dụng Bản đồ số Hộ kinh doanh trên cả nước theo lộ trình đã được đề ra (chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 1/8/2023 đến hết tháng 31/12/2023 triển khai tại 5 Cục Thuế: Hà Nội, Bình Định, Long An, Thanh Hóa, Hòa Bình; Giai đoạn 2 từ 01/02/2024 triển khai đối với 58 Cục Thuế còn lại).
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra, rà soát các tờ khai, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; khẩn trương xây dựng và ban hành bộ tiêu chí rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và nâng cấp ứng dụng để phân loại tự động đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm trước đảm bảo thời hạn triển khai; hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo hỗ trợ tối đa công tác giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan thuế theo Quy trình hoàn thuế mới ban hành.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước; Vận hành hiệu quả Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, khai thác tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Gửi phản hồi
In bài viết