Trên công trường dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.
Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 9 trở đi, nhiều công trường giao thông bước vào mùa mưa, nhịp độ triển khai đang có chiều hướng giảm nhẹ.
Để đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm nay, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư/ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu lên phương án triển khai hiệu quả các hạng mục có khối lượng lớn, tập kết đầy đủ vật liệu, tranh thủ thời tiết thuận lợi, duy trì nhịp độ thi công, bảo đảm kế hoạch đề ra.
Tăng tốc tiến độ
Là đoạn tuyến có tổng mức đầu tư và quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025), dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn dài hơn 88 km, qua địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đang được chủ đầu tư và các nhà thầu tăng tốc thi công các hạng mục nền đường, cầu, hầm đường bộ xuyên núi, nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cuối năm 2025 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 20.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 14.500 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, được tổ chức, quản lý theo hình thức tổng thầu.
Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho biết, theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành năm 2026, song thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải tại lễ phát động thi đua “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc bắc-nam vào năm 2025”, chủ đầu tư cùng các nhà thầu đang tập trung cao độ nguồn lực để đưa dự án về đích trong năm 2025.
Ban đang chỉ đạo nhà thầu tăng tốc thi công đắp nền đường ở một số vị trí trũng thấp xung yếu, đạt cao độ yêu cầu trước ngày 30/9 tới, khi mùa mưa lũ đến.
“Ngay sau lễ phát động, Ban và nhà thầu đã đề xuất thay đổi một số biện pháp tổ chức thi công, phấn đấu rút ngắn tiến độ hầm số 3 (kế hoạch hoàn thành ngày 30/9/2026) xong trước ngày 31/12/2025, đồng bộ với các dự án thành phần khác. Ban yêu cầu Tập đoàn Ðèo Cả dốc toàn lực vào dự án này theo mốc thi đua của Chính phủ đã đề ra”, ông Lê Thắng khẳng định.
Trên toàn công trường, các nhà thầu triển khai 50 mũi thi công, huy động hơn 4.000 nhân sự, hơn 1.750 máy móc thiết bị tham gia thi công. Cả ba gói thầu của dự án đều tổ chức thi công ba ca, bốn kíp; riêng các hạng mục hầm, nhà thầu thi công liên tục; các kỹ sư, công nhân thay ca nhau làm việc trên công trường không ngừng nghỉ.
Ông Bùi Nhật Hiển, Giám đốc Ban điều hành dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn cho hay, thời điểm này, các nhà thầu đang huy động toàn bộ phương tiện, thiết bị, vật tư, nhân lực tăng tốc thi công, đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu. “Với sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị thi công, sự hỗ trợ đồng lòng của chính quyền và người dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, dự án cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra và sớm đưa vào khai thác, vận hành trong năm 2025”, ông Hiển khẳng định.
Việc tăng tốc tiến độ trong gần chín tháng qua của dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn đóng góp rất lớn vào kết quả giải ngân của Ban Quản lý dự án 2, trong khi các dự án khác như “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc”, “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” của ban đang gặp nhiều vướng mắc về mặt bằng và do thời tiết. Tăng tốc giải ngân ở dự án có tiến độ tốt, Ban Quản lý dự án 2 đã đề nghị bổ sung 815 tỷ đồng cho dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.
“Nước rút” giải ngân
Những ngày cuối tháng 9, tại gói thầu XL02 thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn Vân Phong-Nha Trang, gần 600 kỹ sư, công nhân và hơn 300 đầu máy, thiết bị của Tập đoàn Sơn Hải vẫn tranh thủ thời gian chạy đua tiến độ, phấn đấu “cán đích” vào dịp 30/4/2025 tới.
Từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm đến nay, Sơn Hải đã huy động nhân lực tăng gấp 2 lần, số lượng máy móc, thiết bị tăng gấp 1,3 lần, duy trì tổ chức thi công ba ca, bốn kíp, trung bình sản lượng thực hiện của nhà thầu đạt 90 tỷ đồng/tháng, tăng gấp 1,5 lần so với trước thời điểm phát động. Theo Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 Lê Quốc Dũng, năm 2024, Vân Phong-Nha Trang là một trong hai dự án có kết quả giải ngân tốt nhất của ban. Dự án đã được bổ sung vốn hai đợt với tổng giá trị gần 900 tỷ đồng.
Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, Bộ Giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn đầu tư công 71.284 tỷ đồng và đang đề nghị bổ sung 2.954 tỷ đồng kế hoạch năm 2024 cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn; bổ sung 1.240 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 của Bộ khoảng 75.478 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân của Bộ ước đạt hơn 40.000 tỷ đồng, phần lớn tập trung ở các dự án đường cao tốc bắc-nam.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết như: Hệ thống an toàn giao thông, tập kết vật liệu cấp phối, nhựa đường,... chủ động thi công ngay khi thời tiết thuận lợi.
Với đà đẩy nhanh tiến độ tại các dự án trong những tháng cuối năm, cùng với việc được bổ sung hơn 13.000 tỷ đồng vốn ngân sách, ước tính trong năm nay, Bộ Giao thông vận tải có thể giải ngân khoảng 74.680 tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch vốn được giao lần đầu.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thường xuyên đi kiểm tra hiện trường, trực tiếp điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị, nguồn tài chính, tăng ca, tăng kíp thi công để đẩy nhanh tiến độ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ có các chỉ đạo tháo gỡ, nhất là trong giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu các dự án khu vực phía nam.
Bộ đã yêu cầu chủ đầu tư/ban quản lý dự án đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân; đồng thời, xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, kiên quyết chấn chỉnh các nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực, làm ảnh hưởng đến tiến độ. Những nhà thầu không đáp ứng sẽ bị cảnh cáo, khiển trách, thậm chí điều chuyển khối lượng, chấm dứt hợp đồng, nhất là tại các công trình trọng điểm.
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, số vốn phải giải ngân các tháng cuối năm còn lớn (hơn 35.000 tỷ đồng), trong điều kiện thời tiết cuối năm bất lợi, một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khó khăn về mỏ vật liệu xây dựng,... sẽ tiềm ẩn thách thức đối với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của ngành giao thông trong năm 2024.
Vụ sẽ theo dõi tình hình giải ngân, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ điều chuyển linh hoạt vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh. Các đơn vị trong ngành được yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, từng quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án.
Trong bối cảnh sức ép tiến độ thực hiện, giải ngân rất căng thẳng, tại nhiều cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đặc biệt nhấn mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu của ngành giao thông.
Các ban quản lý dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ phải bổ sung đăng ký theo nhu cầu, quan điểm của Bộ là không hạn chế khối lượng đăng ký bổ sung.
Vì vậy, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn (2021-2025), riêng các dự án đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn II), các dự án đường cao tốc trục ngang như Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu... cần phải giám sát tiến độ giải ngân hằng tháng để điều chỉnh linh hoạt, kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết