Đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Dự thảo luật đã kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của luật hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những bất cập trong thực tiễn. Ngoài ra dự thảo luật đã lựa chọn luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật, làm tăng tính khả thi của luật. Đại biểu tham gia góp ý vào một số nội dung cụ thể như:
Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.
Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (Điều 9), đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định các di sản văn hóa phi vật thể được hình thành, trao truyền trong quá trình lịch sử và thích ứng của cộng đồng chủ thể với môi trường tự nhiên, xã hội bao gồm 6 loại hình. Trong khi xuyên suốt từ Thông tư số 04, ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến Nghị định số 39, ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định về biện pháp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách của UNESCO ghi danh và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đều quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 7 loại hình di sản. Do đó, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định các loại hình cũng như khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể trong dự thảo luật đảm bảo phù hợp, thống nhất với các quy định hiện hành.
Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (Điều 10), đại biểu cho rằng kiểm kê di sản là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm kê toàn quốc 10 năm một lần trong khi tại khoản 1, Điều 10 đã quy định: Hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập hồ sơ thường xuyên, liên tục, hằng năm; đồng thời tại khoản 2, Điều 10 quy định: UBND cấp tỉnh kiểm kê toàn tỉnh 5 năm một lần...
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nêu rõ cơ sở và sự phù hợp của mốc thời gian kiểm kê như dự thảo luật. Vì theo đại biểu, với quy định mốc thời gian như vậy, trường hợp khi luật có hiệu lực, từ năm 2025 các địa phương sẽ kiểm kê, đến năm 2030 lại tiếp tục kiểm kê, vậy Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tổng kiểm kê vào thời điểm nào, có đủ nhân lực để thực hiện kiểm kê hay không hay vẫn chỉ giao cho các địa phương thực hiện kiểm kê để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể (Điều 13): Thời gian qua việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân mới tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú…và một số chính sách hỗ trợ nhưng mới chỉ áp dụng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn được hỗ trợ các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, tránh trường hợp áp dụng tùy nghi. Đồng thời, rà soát nội dung điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 13 để tránh trùng lặp.
Về cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích (Điều 26), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong việc cho phép đầu tư xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, như: Việc đầu tư, xây dựng công trình phải đảm bảo nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường; các quy định về thẩm định, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của các công trình được đầu tư xây dựng.
Bởi trên thực tế, thời gian qua tại một số địa phương, nhất là các đô thị lớn, nhiều công trình xây dựng đã đe dọa, thậm chí làm biến dạng nghiêm trọng đến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Về nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá (Điều 80), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ "nguồn thu từ di sản văn hoá” là nguồn thu từ những khoản nào và được chi vào những việc gì. Bởi việc quản lý nguồn thu và sử dụng nguồn thu là vấn đề lớn, phức tạp, do đó cần phải có cơ chế để quản lý tốt nguồn thu, góp phần tăng thêm kinh phí cho việc đầu tư bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào trách nhiệm của bộ, ngành liên quan trong việc đảm bảo nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Gửi phản hồi
In bài viết