Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.
Đại biểu bày tỏ nhất trí sự cần thiết phải ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi), đồng thời tham gia ý kiến vào một số nội dung cụ thể trong dự thảo luật.
Trong đó, về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn tại Điều 5, đại biểu bày tỏ thống nhất chọn phương án 1, về việc người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam được gia nhập Công đoàn Việt Nam. Qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, tạo sự thuận lợi để tổ chức công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài. Theo đại biểu, thời hạn của giấy phép lao động cho người nước ngoài không lâu; rào cản về ngôn ngữ gây khó khăn trong giao tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như bảo vệ quyền lợi người lao động; người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam khi chấm dứt hợp đồng lao động và không còn cư trú tại Việt Nam thì quyền lợi của họ sẽ như thế nào.
Về quyền phản biện xã hội của Công đoàn (Điều 17), đại biểu băn khoăn về quy định này, vì Hiến pháp năm 2013 không quy định về quyền phản biện của công đoàn. Đồng thời tại khoản 2, Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới có quyền phản biện xã hội. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn các căn cứ của quy định về quyền phản biện của Công đoàn.
Đối với quy định bảo đảm về tổ chức, cán bộ thuộc Điều 26, đại biểu cho rằng, tại khoản 3, khoản 4 quy định về việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, từ thực tiễn thời gian qua việc quyết định bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Toàn cảnh phiên thảo luận.
Đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có giải pháp đề xuất quy định biên chế phù hợp để tổ chức Công đoàn chủ động và có căn cứ sắp xếp, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại đơn vị sử dụng lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đối với quy định quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 30), tại khoản 2, đại biểu thống nhất chọn phương án 1. Theo đại biểu, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành.
Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kính phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay, nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới...
Về công khai tài chính công đoàn (Điều 32), đại biểu cho rằng, việc công khai tài chính của các cấp công đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng là không phù hợp. Ban soạn thảo cân nhắc, đồng thời để việc công khai tài chính đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính công khai minh bạch, Ban soạn thảo nên quy định việc công khai tài chính hằng năm cần được tổ chức thông qua hội nghị toàn thể đoàn viên công đoàn của cơ quan, tổ chức, đơn vị để đoàn viên công đoàn được nắm và trao đổi khi cần thiết. Bởi nếu chỉ quy định các hình thức như dự thảo Luật thì vì nhiều lý do khác nhau đoàn viên công đoàn sẽ không tiếp cận được thông tin về tài chính công đoàn.
Đại biểu cũng đề xuất bổ sung một số cụm từ cụ thể vào quy định tại Điều 11 về đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết