Các vị ĐBQH tại phiên thảo luận
Phát biểu thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh bày tỏ sự tán thành cao với sự cần thiết ban hành các dự án luật nhằm thể chế hóa kịp thời những quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm đồng bộ với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành; tiếp thu có chọn lọc pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập và đổi mới.
Góp ý vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có báo cáo phân tích cụ thể 08 loại tội danh có khung hình phạt tử hình dự kiến bỏ và được thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Thị Nga chủ trì thảo luận
Theo đại biểu Ma Thị Thúy: “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, là hành vi trục lợi trên nỗi đau của người bệnh gây nguy hại cho xã hội, có thể để lại hậu quả đặc biệt nguy hiểm đối với tính mạng, sức khỏe của người dân, khi thời gian vừa qua các cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều vụ việc nghiêm trọng nên cần có tính chất răn đe hơn.
Đối với “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy”, đại biểu đề nghị không nên bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội danh này, nếu bỏ hình phạt tử hình sẽ giảm sức răn đe, cần có hình phạt nghiêm khắc. Đối với “Tội tham ô tài sản”, “Tội nhận hối lộ”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá kỹ lưỡng với việc bỏ quy định hình phạt tử hình cho các tội danh này, tránh gây tác động bất lợi tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý loại tội phạm đặc biệt này.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận
Đối với việc bổ sung “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” vào Bộ Luật hình sự, theo đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ đồng tình cao để có những quy định hình phạt nghiêm khắc đối với loại tội danh này.
Tham gia Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Tuyên Quang đề nghị bổ sung đối tượng: “người đang giữ tài sản bảo đảm” vào khoản Khoản 5 Điều 198a, vì thực tế khi thu giữ tài sản bảo đảm, thực tế nhiều trường hợp tài sản bảo đảm đang được người khác quản lý, sử dụng, giữ mà không phải là bên bảo đảm.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận
Về kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu (Điều 198b), đề nghị mở rộng đối tượng của điều này từ “nợ xấu” thành “khoản nợ” nói chung.
Về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong vụ việc vi phạm hành chính (Điều 198c), đại biểu Hà đề nghị bổ sung thời gian cụ thể kể từ thời điểm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ đề nghị cơ quan tố tụng, người ra quyết định tạm giữ hoàn trả lại vật chứng, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Từ đó nhằm đảm bảo không kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến giá trị tài sản bị mất giá trị gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết