Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Tuyên Quang nhấn mạnh: Dự thảo đã thể chế hoá nhiều chủ trương quan trọng, mang tính đột phá, đặc thù, đặc biệt của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Toàn cảnh phiên thảo luận.
Đây cũng là nội dung cộng đồng doanh nghiệp, người dân đang rất quan tâm, mong đợi, nhất là ở các nội dung về: Nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra; nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc; việc bỏ hoặc hỗ trợ thuế, lệ phí, chủ trương hỗ trợ lãi suất…
Dự thảo luật cũng có các quy định để làm cơ sở pháp lý đảm bảo cho việc thực thi nghị quyết được thống nhất, hiệu quả trên thực tiễn. Đặc biệt là xem xét loại trừ, miễn trách nhiệm của người tham gia xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục liên quan và không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan.
Các quy định trên sẽ là công cụ quan trọng giúp kinh tế tư nhân phát huy các tiềm năng, thế mạnh, góp phần “cởi trói” nhiều vướng mắc bấy lâu để kinh tế tư nhân có điều kiện giải phóng toàn bộ sức sản xuất, tiến tới đạt mục tiêu là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia như Nghị quyết 68-NQ/TW đã đề ra.
Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 68-NQ/TW nhằm mục tiêu đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân có điều kiện triển khai sớm, triển khai ngay như: Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp; khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Các nội dung này được thể chế hoá sẽ giúp các Tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng có có sở pháp lý an toàn để xem xét đơn giản hoá hơn nữa các quy trình thẩm định, cho vay hay ban hành các chương trình ưu đãi lãi suất để đẩy mạnh công tác cung ứng vốn cho nền kinh tế cũng như cho khối kinh tế tư nhân.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận tại hội trường.
Ngoài ra, về kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan về tình hình hoạt động, tài chính, tín nhiệm của doanh nghiệp cũng là nội dung quan trọng giúp minh bạch các hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện cắt giảm các thủ tục hành chính, các chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và ngân hàng trong quá trình cấp tín dụng.
Đại biểu cũng đề nghị trong năm 2026 cần hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về các quy định về đất đai, quy hoạch, đầu tư nêu tại khoản 3 Điều 16 dự thảo. Do hiện nay việc triển khai các nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của một số luật đang được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9, nên sẽ được ban hành trong năm 2025.
Đồng thời, đề nghị rà soát, bổ sung lộ trình hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động khác của kinh tế tư nhân ngoài phạm vi được quy định tại khoản này để đảm bảo thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết 68-NQ/TW.
Ngoài ra, Dự thảo đang thiếu các quy định về giao trách nhiệm, về lộ trình thực hiện rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo; việc thực hiện giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các luật.
Gửi phản hồi
In bài viết