ĐBQH Nguyễn Việt Hà thảo luận tại hội trường về Luật Công đoàn (sửa đổi)

- Sáng 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường vào một số dự án luật. Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Tuyên Quang tham gia thảo luận vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Việt Hà góp ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ: “thực hiện trái quy định” vào Điểm b khoản 2 Điều 10 hành vi bị cấm phân biệt đối xử đối với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn.

Theo đại biểu, bổ sung nội dung trên nhằm đảm bảo quyền quản lý, sử dụng, xử lý kỷ luật lao động hợp pháp của người sử dụng lao động, tránh quy định không rõ ràng dẫn đến tranh chấp giữa người sử dụng lao động với người lao động, cán bộ công đoàn hoặc có trường hợp chuyển người lao động sang công việc tốt hơn.

Đối với khoản 2 Điều 5 quy định về quyền gia nhập công đoàn của công dân nước ngoài, đại biểu đề nghị cần làm rõ nội dung về phạm vi quyền lợi tham gia của công dân nước ngoài là được giới hạn trong quan hệ lao động.

Cụ thể là được công đoàn hỗ trợ các vấn đề về việc làm, tiền lương, thưởng và bảo hiểm xã hội theo hợp đồng lao động; hỗ trợ trong giải quyết tranh chấp lao động nhằm đảm bảo không phát sinh vai trò, chức năng của tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

Về phân phối kinh phí công đoàn, đại biểu cho rằng dự thảo luật không quy định việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động, đồng thời bổ sung quy định: “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn.”

Đại biểu khẳng định việc thiếu đi quy định trên sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tế, không có cơ sở mang tính nguyên tắc được luật hoá trong luật để Chính phủ làm căn cứ thống nhất với tổng liên đoàn. Do vậy cần bổ sung nguyên tắc phân phối kinh phí công đoàn vào trong dự thảo luật, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của Tổng liên đoàn về nội dung này.

Về khoản 2 Điều 31 về các nội dung chi về đào tạo của tài chính công đoàn đang bị trùng lặp tại nhiều điểm, cụ thể: Tại điểm b nêu: nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc cho người lao động; điểm đ nêu: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn. Do vậy đại biểu đề nghị dự thảo lại theo hướng ngắn gọn là: chi cho các công tác Đào tạo nhằm nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn, người lao động.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục