Đại biểu tán thành cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Về nội dung của Hợp đồng bảo hiểm nêu tại Điều 14, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Đây là điều khoản quy định những hành vi pháp lý mà các bên được thực hiện, không được thực hiện hoặc phải thực hiện để đảm bảo các nội dung của hợp được đồng thực thi trên thực tế, cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh (nếu có) về sau. Đồng thời cũng phù hợp với quy định về nội dung của hợp đồng nêu tại Bộ luật Dân sự 2015.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu ý kiến thảo luận.
Về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đại biểu cho rằng đây là nội dung rất quan trọng. Tuy nhiên, qua rà soát nội dung dự thảo quy định chưa rõ ràng, chưa thực sự chặt chẽ. Đại biểu phân tích: Điều 16 không liệt kê các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; Điều 38 quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thỏa thuận với bên mua bảo hiểm về trường hợp không phải trả tiền bảo hiểm ngoài các trường hợp quy định của luật. Quy định như vậy rất rủi ro cho bên mua bảo hiểm, là khe hở pháp lý trong việc doanh nghiệp bảo hiểm tuỳ nghi đưa ra các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm để thoả thuận với người mua bảo hiểm, trong khi người mua bảo hiểm vì không có nhiều kiến thức pháp lý về bảo hiểm để có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại và quy định theo hướng có thể liệt kê các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại 1 điều hoặc tại Điều 16 có dẫn chiếu đến các điều trong dự thảo có quy định về nội dung này để đảm bảo việc áp dụng luật về nội dung này được thống nhất và chặt chẽ.
Đối với quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo mật thông tin tại Điều 17 có quy định doanh nghiệp bảo hiểm được quyền cung cấp thông tin khi có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm. Đại biểu đề nghị bổ sung người được bảo hiểm, người thụ hưởng vào đối tượng được bảo mật thông tin trong trường hợp này. Đại biểu lý giải, có trường hợp bên mua bảo hiểm không phải là bên được bảo hiểm, bên thụ hưởng, trong khi đây là các thông tin liên quan đến nhân thân do vậy cần phải được sự đồng ý của họ trước khi cung cấp. Đồng thời bổ sung trách nhiệm bảo mật thông tin này đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm, hiện nay dự thảo luật chưa nêu.
Về các trường hợp không trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 38, Dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp: Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng, mà không nhắc đến trường hợp do chính người được bảo hiểm cố ý gây ra để trục lợi bảo hiểm (hành vi này đã được bộ luật hình sự quy định trách nhiệm pháp lý). Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, xem xét lại nội dung này tránh hành vi gian lận để trục lợi bảo hiểm.
Đối với việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Điều 75, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động khi bị tách doanh nghiệp. Vì theo quy định của luật doanh nghiệp 2020 việc doanh nghiệp thực hiện tổ chức lại theo hình thức tách doanh nghiệp không làm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách. Do vậy quy định như như dự thảo là chưa phù hợp với luật doanh nghiệp.
Về nội dung Bảo hiểm vi mô đại biểu cho rằng đây là quy định rất cần thiết và mang tính nhân văn, hướng tới bảo vệ các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tại dự thảo chỉ dành 2 điều cho nội dung này nên các nội dung quy định chưa được đầy đủ, rõ ràng để đảm bảo thực thi hiệu quả trên thực tế. Đây là một loại hình bảo hiểm, cũng chứa đựng các rủi ro do vậy các nội dung trọng yếu như: tiêu chí, điều kiện của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ; việc quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ hay quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ cần phải được quy định trong luật giống như các loại hình bảo hiểm khác trong dự thảo thay vì giao cho Chính phủ quy định các nội dung này.
Gửi phản hồi
In bài viết