Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thảo luận, đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động. Tham gia ý kiến vào Điều 3, dự thảo luật, đại biểu cho rằng còn có sự trùng lặp với Luật Công an nhân dân. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ hơn vị trí, chức năng đặc thù, thẩm quyền liên quan đến việc sử dụng biện pháp vũ trang để thể hiện vị trí chức năng của Cảnh sát cơ động. Đây là lực lượng đặc biệt có vai trò nòng cốt, trực tiếp liên quan đến thực hiện biện pháp vũ trang; có vai trò chuyên trách trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Qua đó, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác trong Công an nhân dân.
Đại biểu Âu Thị Mai góp ý kiến dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.
Về Điều 5 xây dựng cảnh sát cơ động, đại biểu cho rằng, điều này chỉ có 2 khoản, nội dung cũng chưa thực sự phù hợp nếu tách riêng thành một điều trong dự thảo. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét đưa nội dung của điều này tích hợp vào chương IV quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động. Đối với vấn đề hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động (Điều 7), đại biểu cho rằng, khoản 2 của điều trên mới chỉ quy định về các nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động, chưa có quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hợp tác quốc tế. Đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định này để đảm bảo thực hiện thống nhất với pháp luật về thỏa thuận quốc tế và pháp luật có liên quan.
Đối với nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động (Điều 9) đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm một số nhiệm vụ như: cứu người và phương tiện đang gặp nguy hiểm; vô hiệu hóa các vũ khí, phương tiện, vật liệu cháy nổ đang có nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện và môi trường; tạm giữ khẩn cấp người và phương tiện tham gia phạm pháp có dấu hiệu tội phạm đang có nguy cơ bỏ trốn khỏi hiện trường. Bởi Cảnh sát cơ động thường là lực lượng bảo vệ an ninh trật tự đầu tiên được huy động đến hiện trường.
Về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động (Điều 13), dự thảo luật đưa ra 2 phương án. Đại biểu bày tỏ thống nhất với phương án 1, về việc giao Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, nhằm đảm bảo tính thống nhất, ổn định lâu dài của văn bản Luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung để làm rõ thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của Cảnh sát cơ động trong các trường hợp cấp bách được quy định tại Điều 17.
Ở Điều 23 về chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động, đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trong, cần thiết. Nhưng nếu không có quy định cụ thể, rõ ràng thì trong quá trình thực hiện sẽ nảy sinh những khó khăn, vướng mắc. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại khoản 4 của điều này là giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 của Điều này. Đối với việc tuyển chọn công dân vào cảnh sát cơ động (Điều 24), tại khoản 1, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ "thành phần dân tộc" vào quy định. Đồng thời, bổ sung thêm một khoản quy định chính sách tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động là “ưu tiên tuyển chọn Cảnh sát cơ động là người dân tộc thiểu số”. Theo đại biểu, địa bàn miền núi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Khi tuyển chọn người dân tộc thiểu số sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong trường hợp xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Chiều nay, Quốc hội tiếp tuc thảo luận trực tuyến tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Gửi phản hồi
In bài viết