Các đại biểu đánh giá, Luật Nhà ở năm 2014 đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cho rằng, sau 8 năm thực hiện, Luật Nhà ở đã phát sinh những tồn tại hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan, như: Quy định về nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; về sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; việc phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư; chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội…
Các đại biểu dự phiên thảo luận.
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung kiến nghị nhiều nội dung: Sở hữu nhà ở; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; phát triển nhà ở; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở, nhà chung cư giao dịch về nhà ở. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo chú trọng việc lấy ý kiến đóng góp của người dân, người lao động trên cổng thông tin điện tử những người chịu tác động trực tiếp của luật này.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh tham gia thảo luận.
Các ĐBQH tỉnh đề xuất, thực hiện Nghị định 100 ngày 20-10-2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cần sửa đổi mội số quy định cho phù hợp với điều kiện đối tượng thu nhập thấp vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội. Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà ở xã hội, nên cho phép thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi dự án được triển khai. Đồng thời, cần lược bỏ quy định phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đủ điều kiện thực hiện dự án và cho phép thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi dự án được hoàn thiện nhằm làm giảm thời gian từ thời điểm xin chủ trương đến khi triển khai thực hiện dự án.
Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận tại phiên họp.
Về giấy phép xây dựng, nên cắt giảm thủ tục về giấy phép xây dựng và chỉ cần thẩm định thiết kế bằng bản vẽ thi công của nhà ở xã hội vì thiết kế bản vẽ thi công sẽ đánh giá cụ thể và đảm bảo chặt chẽ về mặt chất lượng của công trình theo quy chuẩn được quy định tại thời điểm hiện hành để đảm bảo công trình được hoàn chỉnh. Các ưu đãi đối với nhà ở xã hội hiện nay theo tôi còn khá thấp. Do đó, đề nghị giảm toàn bộ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế trước bạ đối với nhà ở xã hội, từ đó góp phần giảm giá bán nhà ở xã hội do các loại thuế này được tính trực tiếp vào giá bán sản phẩm. Về nội dung và thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về hệ số điều chỉnh vị trí căn hộ và giá đất để tính bồi thường.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà phát biểu thảo luận.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến quy chuẩn nhà chung cư, quy chuẩn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân có nhiều điểm khác biệt lớn, do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng cần nghiên cứu, ban hành Bộ quy chuẩn về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân ngay khi luật có hiệu lực thi hành để đảm bảo công nhân, người lao động, người dân có thu nhập thấp được bố trí nơi ở hợp lý, đảm bảo các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định. Trong đó, quy chuẩn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân phải tính đến các thiết chế văn hoá cộng đồng, nhà trẻ mẫu giáo, trường học... Đây là các dịch vụ xã hội thiết yếu đối với cuộc sống và chất lượng sống của người dân và các thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư công bố các Bộ tiêu chuẩn xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân để nâng cao chất lượng công trình, nhân rộng các điển hình tốt.
Gửi phản hồi
In bài viết