Đề án “con đường tới thập kỷ kỹ thuật số”: Tầm nhìn tương lai của EU

Bắt đầu xây dựng chính phủ điện tử từ đầu những năm 2000, đến nay, các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) đã gặt hái được nhiều “trái ngọt” nhờ việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công cho công dân, tiết kiệm thời gian, nâng cao tính minh bạch... Để đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trên toàn EU, mới đây, các nhà lãnh đạo “ngôi nhà chung” 27 thành viên này đã công bố đề án “Con đường tới thập kỷ kỹ thuật số”. Đây được xem là bản kế hoạch mang lại tầm nhìn tương lai cho Cựu lục địa.

Đề án “Con đường tới thập kỷ kỹ thuật số” tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ EU.

Đề án “Con đường tới thập kỷ kỹ thuật số” được xây dựng dựa trên kế hoạch có tên gọi “La bàn kỹ thuật số 2030” được Ủy ban Châu Âu (EC) khởi xướng vào tháng 3 vừa qua nhằm tìm cách tăng tốc tiến trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp và dịch vụ công, cải thiện kỹ năng kỹ thuật số của người dân và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Cựu lục địa. Theo kế hoạch, hằng năm, EC sẽ báo cáo Nghị viện và Hội đồng Châu Âu về tiến độ triển khai đề án cùng những khuyến nghị hành động cho mỗi quốc gia thành viên. Dựa trên những gì đã thực hiện, EC sẽ đưa ra một bản đánh giá tổng thể vào năm 2026.

Theo các nhà lãnh đạo EU, đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ tầm quan trọng của công nghệ kỹ thuật số trong chiến lược xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng đã bộc lộ khoảng cách giữa các doanh nghiệp bắt kịp giải pháp công nghệ số với những doanh nghiệp chưa coi trọng số hóa, đồng thời cho thấy khoảng cách giữa các khu vực thành thị, nông thôn và vùng sâu vùng xa. Bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành EC phụ trách về kỹ thuật số cho biết, “Con đường tới thập kỷ kỹ thuật số” thúc đẩy các chính sách bền vững, lấy con người làm trọng tâm, trao quyền cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, đề án mang lại nhiều cơ hội mới trên thị trường châu Âu, nơi vẫn còn thiếu 500.000 vị trí tuyển dụng cho các chuyên gia dữ liệu và an ninh mạng trong năm 2020. Gần 2 thập niên qua, lợi ích của tiến trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp và dịch vụ công đã được thực tế chứng minh. Ví dụ, việc tích cực sử dụng các dịch vụ công qua mạng đã giúp người dân châu Âu tiết kiệm 7 triệu giờ/năm cho việc khai thuế và các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 10 euro cho mỗi giao dịch khai thuế giá trị gia tăng với nhà nước. Ở Đan Mạch, việc lập hóa đơn điện tử tiết kiệm cho những người nộp thuế 150 triệu euro/năm và các doanh nghiệp 50 triệu euro/năm. Nếu được áp dụng trên toàn EU, khoản tiết kiệm hằng năm có thể vượt quá 50 tỷ euro. Vì vậy, “Con đường tới thập kỷ kỹ thuật số” chính là tầm nhìn tương lai của EU.

Chia sẻ thêm về tham vọng nâng cấp nền tảng kỹ thuật số, ông Thierry Breton, Ủy viên EC phụ trách thị trường nội bộ nhấn mạnh: “Châu Âu quyết tâm dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, EU sẽ không còn rơi vào tình trạng bị động, phải phụ thuộc vào các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc trong việc lưu trữ dữ liệu. Nếu không, chúng tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng kinh tế và việc làm”.

Theo số liệu thống kê, khoảng 94% dữ liệu trong thế giới phương Tây được lưu trữ ở Mỹ. Hiện 6/10 công ty công nghệ lớn nhất thế giới là của Mỹ và không có công ty châu Âu nào trong danh sách đó. Giới chuyên gia cho rằng, thay vì tìm cách xây dựng những “gã khổng lồ” công nghệ mới, EU nên phát triển hơn nữa quy định và đầu tư để giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ ngoài châu Âu.

Trên tinh thần đó, trong vòng 8 năm tới, EU đặt ra một loạt mục tiêu giúp khối mua sắm các công nghệ xử lý dữ liệu thế hệ tiếp theo. EC cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải đạt được kết nối tốc độ cao (Gigabit) vào năm 2030 với việc tập trung triển khai các công nghệ di động và cố định, bao gồm 5G và 6G. Mục tiêu cụ thể là tất cả các hộ gia đình ở châu Âu được phủ sóng mạng Gigabit và tất cả các khu vực đông dân cư sẽ được phủ sóng 5G vào năm 2030. Trong khu vực công, theo đề án, đến năm 2030, tất cả công dân EU phải được quyền truy cập vào hồ sơ y tế điện tử và EU phải đạt tỷ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến sẵn có dành cho các công dân và doanh nghiệp châu Âu, bên cạnh đó, 80% công dân phải sử dụng một trong các giải pháp nhận dạng điện tử của châu Âu.

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với đề án “Con đường tới thập kỷ kỹ thuật số” là sự không đồng đều về tiến bộ kỹ thuật số ở các quốc gia thành viên EU. Để san bằng chênh lệch nói trên và cùng nhau “về đích” đòi hỏi nỗ lực của các nhà lãnh đạo trong thời gian tới. Điều này đã được đề cập cụ thể trong cơ chế hợp tác hằng năm giữa các thành viên. Theo đó, EU sẽ thiết lập một hệ thống giám sát việc thực hiện các mục tiêu của đề án dựa trên các chỉ số về kinh tế và xã hội kỹ thuật số. Dựa trên chỉ số này, EC sẽ có đánh giá về tiến độ và đưa ra kế hoạch hỗ trợ nhằm thúc đẩy các thành viên đảm bảo đúng lộ trình đã vạch ra.

Bên cạnh đó, EC cũng mong muốn tăng cường sự tham gia quốc tế vào các mục tiêu kết nối của mình, trong đó chú trọng các sáng kiến với Ấn Độ, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ Latinh và Caribe. Phó Chủ tịch EC Vestager khẳng định, trong nền kinh tế kỹ thuật số mở, quan hệ đối tác giúp EU đẩy nhanh sự phát triển những công nghệ mới đến từ châu Âu và chúng có thể trở thành giải pháp toàn cầu. Quan hệ đối tác cũng tạo ra không gian mở, nơi EU có thể thúc đẩy các tiêu chuẩn kỹ thuật số cũng như những lợi ích của khối.

Nếu bản đề án được triển khai thành công, EU sẽ đạt khả năng tự chủ kỹ thuật số, trở thành đối tác thịnh vượng, tự tin và cởi mở. Quan trọng hơn, mọi công dân EU đều có thể hưởng lợi đầy đủ nhờ một xã hội kỹ thuật số toàn diện.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục