Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh ĐĂNG KHOA)
Tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng luật, pháp lệnh
Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chỉ ra các hạn chế tồn tại nhiều năm của hoạt động lập pháp hiện nay, gồm: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thường xuyên phải thay đổi khiến rủi ro về lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ tăng cao; chất lượng các đạo luật chưa cao, còn tồn tại quy phạm chính trị dẫn đến phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn kèm theo; kỷ cương luật pháp chưa nghiêm, chưa xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và quá trình xây dựng luật, pháp lệnh còn biểu hiện "cài cắm" lợi ích.
Đi sâu phân tích một số luật có tình trạng chậm gửi tài liệu, hồ sơ tồn tại trong nhiều năm qua, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) và một số đại biểu cho rằng, Luật Thương mại năm 2005 sau gần hai thập kỷ đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, trở nên lạc hậu, không đáp ứng được sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử vốn đã được điều chỉnh qua ba nghị định. Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định, công ước quốc tế; công nghệ số, thương mại số ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới biến đổi liên tục.
Vì vậy, cần nhanh chóng xem xét sửa đổi đồng bộ với các bộ luật nói chung, Bộ luật Dân sự nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Một trong những luật được nhiều đại biểu đề cập hôm qua là Luật Luật sư. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), Luật Luật sư từng được sửa đổi trước khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, do đó việc xây dựng được dựa trên Hiến pháp năm 1992. Từ đó tới nay, số lượng luật sư ở nước ta đã tăng gấp nhiều lần, trong đó xuất hiện những công ty luật và luật sư nước ngoài. Nhấn mạnh vai trò ngày càng cần thiết của luật sư trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đối với nhiều lĩnh vực, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị sớm bổ sung Luật Luật sư vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Tại kỳ họp, Luật Chuyển đổi giới tính lần đầu được trình ra Quốc hội và nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo các đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), các chính sách của Luật đều liên quan chặt chẽ đến quyền con người và quyền công dân, cần sớm xem xét những vấn đề về cơ chế để tạo khuôn khổ pháp lý theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Với vai trò bước tiến "dũng cảm và văn minh", Luật Chuyển đổi giới tính có thể được xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm giảm sự phân biệt, tạo điều kiện để cộng đồng chuyển đổi giới tính có thể phát huy khả năng, trí tuệ trong công việc và cuộc sống hằng ngày, mở những nút thắt về sự kỳ thị, dần xóa đi sự kìm hãm phát triển của xã hội hiện đại.
Cuối phiên thảo luận buổi sáng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu cung cấp thông tin, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu đã nêu.
Tháo gỡ những vướng mắc trong thẩm định giá
Buổi chiều, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn của chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn sáu tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 là áp lực rất lớn. Đề nghị Chính phủ cân nhắc trong việc phân bổ các nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành, địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết, không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 43.
Chiều qua, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá tại Điều 41 dự thảo luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị, Ban soạn thảo giữ nguyên tắc đã được quy định tại Luật Giá hiện hành. Đó là nguyên tắc bảo mật thông tin. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng trong hoạt động thẩm định giá.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, dự thảo luật đang quy định về ba loại chủ thể phải thực hiện trách nhiệm công khai thông tin về giá, thẩm định giá, đó là: Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đại biểu nêu rõ, tuy có ba loại chủ thể khác nhau nhưng lại có một khoản chung là Khoản 5, Điều 6 quy định về hình thức công khai. Theo đó, công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc các hình thức phù hợp khác. Với quy định nêu trên, trách nhiệm công khai thông tin về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành, không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về hội đồng thẩm định giá, theo Điều 60 của dự thảo luật quy định, hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất ba thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của người thành lập hội đồng thẩm định giá. Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 50% số thành viên bao gồm Chủ tịch hội đồng thẩm định giá có ít nhất một trong các chứng nhận chuyên môn.
Về nội dung này, một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy là chưa bảo đảm điều kiện, năng lực để thực hiện quy trình thẩm định giá theo quy định mà trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá là rất cao, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác đối với kết quả thẩm định giá, chịu trách nhiệm về ý kiến, nhận định, đánh giá của mình. Vì vậy, tất cả các thành viên của Hội đồng thẩm định giá phải có chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về giá, nhất là chủ tịch hội đồng thẩm định giá là yêu cầu bắt buộc. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định nêu trên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng thẩm định giá nhà nước.
Gửi phản hồi
In bài viết