Để môn học lịch sử hấp dẫn hơn

- Nhằm đổi mới việc dạy và học lịch sử, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả giúp học sinh hứng thú hơn với môn học này.

Giúp học sinh yêu môn Lịch sử

Thạc sỹ Nguyễn Thu Hoàn, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Tuyên Quang cho biết: thời gian qua, nhà trường đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tổ chức dạy học mới, tạo cho các em học sinh nhiều hơn những không gian trải nghiệm thực tế, ngoại khóa... nhất là với môn lịch sử địa lý, môn giáo dục địa phương. Nhà trường đã tổ chức cho học sinh những buổi trải nghiệm thú vị tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Tuyên Quang như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, mời các nhà sử học của Trung ương lên nói chuyện chuyên đề. Đặc biệt, trường đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh, tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, tìm hiểu về những địa danh, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ những buổi ngoại khóa này, giúp các em biết trân trọng thành quả của người đi trước, sống yêu thương và có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, xã hội…

Hoạt động giáo dục đầu tuần do lớp chuyên Sử, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang thực hiện với chủ đề “Viết tiếp sử vàng thắp sáng ước mơ”

Là một trong số ít giáo viên vinh dự được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm 2020, Thạc sỹ Trần Quỳnh Chi là giáo viên truyền cảm hứng môn Lịch sử của trường THPT Chuyên Tuyên Quang. Cô chia sẻ: khi giảng dạy Lịch sử, giáo viên cần giúp học sinh thấy rõ được mối liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Từ đó, giúp các em biết tôn trọng lịch sử, ứng xử văn minh với quá khứ, có thể giải thích, cắt nghĩa được nhiều vấn đề ở hiện tại, có ý thức trách nhiệm hơn với tương lai của đất nước. Để môn Lịch sử hấp dẫn hơn, cô Chi đã xâu chuỗi và liên hệ thực tế giúp học sinh cảm thấy gần gũi, hứng thú hơn khi học. Với mỗi buổi tham quan, cô đều nêu rõ mục đích tham quan, những nội dung lịch sử cần tìm hiểu và cho học sinh viết bài thu hoạch, sau đó, cô tổ chức trao đổi nội dung thu hoạch để nâng cao nhận thức cho học trò…

Bên cạnh đó, để học sinh ghi nhớ tốt hơn, cô giáo Trần Quỳnh Chi đã dày công truyền tải kiến thức lịch sử cho các em bằng video, hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, cho các em hóa thân vào các nhân vật lịch sử… Với hoạt động này, học sinh đã rất hào hứng tương tác, vừa phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong học tập, vừa giúp cô có thể phát hiện ra khả năng tư duy, giải pháp và nhận định của học sinh về sự kiện. Theo cô Chi, để học sinh yêu môn lịch sử, quan trọng hơn cả là phải giữ được không khí lớp học luôn vui vẻ, cô bảo: chỉ khi học sinh thoải mái thì tiết học mới chất lượng, hiệu quả. Chỉ trong 3 năm gần đây, cô Trần Quỳnh Chi đã có tới 70 học sinh đạt giải học sinh Giỏi cấp tỉnh và gần 20 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Lịch sử.

Những bài giảng đầy cảm hứng

Em Đinh Thế Linh, học sinh lớp 11 chuyên Sử, trường THPT Chuyên Tuyên Quang, học sinh giỏi vượt cấp lớp 11 trong đội tuyển Quốc gia môn Sử chia sẻ: qua những câu chuyện ông bà kể thuở nhỏ đã nhen nhóm tình yêu lịch sử trong em, lớn lên một chút, những bộ phim tư liệu về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng những bài giảng, những câu chuyện đặc biệt cuốn hút đã “truyền lửa” cho em, nhân lên trong em niềm tự hào và ý thức trách nhiệm với môn lịch sử. Theo em, với môn Lịch sử, học sinh cần hiểu được bản chất sự kiện, mối quan hệ với các sự kiện lịch sử khác thay vì học vẹt. Ngoài ra, em cũng thường lên các trang mạng để tìm kiếm thêm thông tin về sự kiện để hiểu sâu hơn bài học…

Học sinh Trường Phổ thông Tuyên Quang tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình.

Em Nguyễn Tiến Đăng, học sinh lớp 9A, trường THCS Thái Bình (Yên Sơn) chia sẻ: cô giáo em luôn có cách mở bài đầy cảm hứng bằng những câu chuyện hay, những chi tiết xúc động. Bài giảng của cô rất gọn với những ý chính trọng tâm. Cô luôn gợi mở giúp chúng em biết phát hiện những sự kiện liên quan, biết liên hệ thực tế, đồng thời cô cũng dành nhiều thời gian hướng dẫn chúng em thu thập, tìm kiếm tư liệu để mở rộng bài học. Nhờ đó, em cảm thấy các sự kiện lịch sử, các địa danh và nhân vật lịch sử trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu hơn rất nhiều…

Để học sinh yêu thích môn lịch sử không chỉ là trách nhiệm của các nhà trường và giáo viên. Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các trường, tổ chức nhiều hoạt động để học sinh trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Đồng chí Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bảo tàng tỉnh luôn chú trọng phối hợp với các trường xây dựng các chương trình giáo dục truyền thống cho học sinh, tạo sân chơi bổ ích để các em tìm hiểu, trải nghiệm lịch sử văn hóa địa phương.

Phối hợp tổ chức các lễ kết nạp Đoàn, Đội, lễ dâng hương, báo công; tổ chức các hoạt động trải nghiệm “Theo dòng lịch sử”, “Em yêu lịch sử”; tìm hiểu văn hoá và cách làm cơm lam của người Tày; cách làm bánh chim gâu của người Dao, các trò chơi dân gian… Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, ý thức giữ gìn và phát huy giá trị di sản, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống qua các hoạt động thực tế của bảo tàng.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục