Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số
Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu 40 ứng dụng, nền tảng số “Make in Vietnam” (38 nền tảng năm 2020, 2 nền tảng từ đầu năm 2021 đến nay). Trong đó, nhiều nền tảng đã được doanh nghiệp, người dân ứng dụng và phát huy hiệu quả. Có thể kể đến nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến qua video call - VOV Basic 24 của Kênh FM89, Đài Tiếng nói Việt Nam. Trung bình mỗi ngày, nền tảng này có khoảng 1.200 lượt truy cập, 300 lượt đăng ký khám. Hoặc nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI giúp tự động hóa, nâng cao hiệu quả vận hành và chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp, hết quý I-2021 có 9,5 triệu người dùng, tăng gần 60% so với cuối năm 2020. Trong đợt dịch đầu năm 2021, qua nền tảng này, cơ quan quản lý thực hiện 120.000 cuộc gọi tuyên truyền đến người dân tỉnh Hải Dương về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tương tự, nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC (của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông) đã có hơn 230 triệu lượt tiếp cận, tăng hơn 25% so với khi ra mắt (hơn 180 triệu lượt), trong đó có 372 doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Với nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo Viettel AI Open platform của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), đến hết quý I-2021 đã có 33.349 người dùng. Nền tảng giao tiếp Stringee do Công ty cổ phần Stringee phát triển đã có hơn 800 khách hàng doanh nghiệp, đang phục vụ khoảng 2,2 triệu phút gọi/ngày cho tổng cộng hơn 45 triệu người dùng trên toàn quốc...
Mới hơn, nền tảng họp trực tuyến eMeeting do Công ty cổ phần BKAV và Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) phát triển, được trang bị hệ thống bảo mật 9 lớp, hỗ trợ cuộc họp trực tuyến với 200 điểm cầu. Đáng chú ý, eMeeting được lựa chọn là nền tảng họp trực tuyến phục vụ kỳ họp thứ chín của Quốc hội khóa XIV.
Đánh giá cụ thể hơn về các nền tảng công nghệ này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh cho biết, việc Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu các nền tảng trong thời gian qua giúp doanh nghiệp mở mang cơ hội kinh doanh. Các ứng dụng tăng lượng giao dịch và có được khách hàng lớn. 40 nền tảng tiếp cận được với thị trường rộng hơn, trở thành 40 điểm sáng trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.
Khát vọng vượt qua thách thức
Tuy nhiên trên thực tế, dư luận cũng đặt câu hỏi về việc các ứng dụng “Make in Vietnam” đang ở đâu, khi mà nhiều ứng dụng nước ngoài (Zoom, Teams...) vẫn được dùng phổ biến?
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BKAV Vũ Ngọc Sơn cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết thách thức về mặt công nghệ. Vấn đề chính là ở chỗ, người dùng vẫn có định kiến chất lượng hàng “nội” không bằng hàng “ngoại” và tâm lý này không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai. Do vậy, bên cạnh việc đưa ra công nghệ, tính năng tốt nhất để sản phẩm thu hút người dùng, doanh nghiệp phải chú trọng khâu truyền thông, quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, không thể không kể đến vai trò đồng hành của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Còn theo ông Đỗ Công Anh, ngoài nguyên nhân khách quan là nền tảng số, đặc biệt là nền tảng hội nghị trực tuyến nước ngoài quá mạnh, thì các doanh nghiệp công nghệ số trong nước chưa tận dụng được “thời điểm vàng” để truyền thông sản phẩm của mình. Cùng với đó, các nền tảng mới chỉ trình diễn được công nghệ, chưa giải quyết vấn đề cụ thể mà xã hội cần. Một số nền tảng sau khi ra mắt vẫn phải tiếp tục hoàn thiện nên số lượt sử dụng không nhiều...
Trước lo ngại các giải pháp “Make in Vietnam” có thể bị lép vế trên “sân nhà”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, nếu khắc phục được các tồn tại, doanh nghiệp số trong nước có thể đứng vững, thậm chí vươn xa. Sự kiện BKAV phối hợp với AIC ra mắt nền tảng eMeeting cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam không bỏ cuộc mà dám đón nhận thử thách, dám suy nghĩ lớn để tự thay đổi tương lai, đưa khát vọng “Make in Vietnam” thành hiện thực.
Nói về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đã có những ứng dụng được xây dựng trong vòng 48 giờ, phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; có nhiều nền tảng được doanh nghiệp trong nước phát triển đi trước so với thế giới. “Sau 1 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg (ngày 24-1-2020) về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, nâng tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động lên hơn 58.000 đơn vị. Đây là minh chứng cho năng lực nhanh nhạy và khát vọng của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết