Phát biểu thảo luận ở hội trường sáng 15/11, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu để khắc phục bất cập của luật hiện hành, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm đầu tư công…
Làm rõ nội hàm “không cài cắm thông tin” trong hồ sơ mời thầu
Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích, hạn chế lớn nhất trong đấu thầu thời gian vừa qua là số lượng người tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng (bình quân hơn 1 hồ sơ). Điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao, nguyên nhân có thể do thông tin đã được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia.
Chính vì vậy, để hạn chế việc cài cắm thông tin, đại biểu cho rằng cần quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu thế nào là không cài cắm thông tin. Dự thảo Luật đã có bổ sung Điều 41 nói về hồ sơ mời thầu, trong đó có 1 phần nội dung liệt kê những loại tài liệu, tuy nhiên nội dung không được cài cắm thông tin lại chưa được đề cập cụ thể.
Đại biểu Cường cho rằng, hồ sơ mời thầu là một tài liệu rất dày và là điểm chính của đấu thầu nhưng dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ dành 1 điều để quy định về nội dung này, như thế là không thỏa đáng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 15/11. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật phải dành hẳn 1 chương quy định chi tiết những nội dung của hồ sơ mời thầu.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Cường, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy định chi tiết về hồ sơ mời thầu trong dự án Luật để khắc phục những tồn tại được chỉ ra trong thời gian vừa qua.
Theo đại biểu, hồ sơ mời thầu cần tránh việc đưa ra nhiều thông số kỹ thuật đối với gói thầu mua sắm hoặc những chỉ tiêu về kinh nghiệm tổ chức thực hiện dự án hay gói thầu để nhằm hạn chế nhà thầu tham gia. Mặc dù trong dự thảo Luật đã có quy định là tránh đưa ra những điều kiện để hạn chế nhiều nhà đầu tư tham gia, song đại biểu cho rằng hồ sơ mời thầu cần phải thật rõ ràng.
Bên cạnh đó, đại biểu Khương Thị Mai cho rằng cũng cần quy định chi tiết tiêu chuẩn hồ sơ mời thầu. Theo đại biểu, dự án đầu tư kinh doanh cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; lợi ích lâu dài phải căn cứ vào mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường để chọn được nhà đầu tư đích thực thực hiện dự án cũng như giải quyết được vấn đề phát triển bền vững, tạo ra nguồn thu ngân sách Nhà nước thông qua chính sách thuế.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Bổ sung trường hợp áp dụng chỉ định thầu
Nhất trí cao với nhiều nội dung của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị, trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 21, cần bổ sung nội dung chỉ định thầu các gói thầu tư vấn xây lắp, tư vấn giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm, gói thầu kiểm lâm, gói thầu hạ tầng di chuyển điện, gói thầu hạ tầng tái định cư, gói thầu tư vấn chương trình mục tiêu quốc gia, vì thực tế thực hiện theo trình tự các gói thầu này mất rất nhiều thời gian.
Đại biểu nêu thí dụ với dự án nhóm A, các gói thầu tư vấn phải thực hiện qua 3 giai đoạn gồm: tư vấn dự án tiền khả thi, tư vấn dự án khả thi, tư vấn thiết kế kỹ thuật và dự toán thi công. Trên thực tế, đơn vị thực hiện tư vấn dự án tiền khả thi cũng thực hiện tư vấn thiết kế dự án khả thi, tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự toán thi công. Thời gian thực hiện của 3 giai đoạn này nếu không vướng mắc và thực hiện kịp thời theo quy định thì phải mất 270 ngày, cộng với thời gian mời thầu, thời gian đấu thầu 270 ngày, như vậy là gần hết 2 năm cho một dự án nhóm A.
Ngoài ra, khi đấu thầu lựa chọn tư vấn trong các bước 2, bước 3 thì ít có tư vấn khác tham gia hoặc tham gia chỉ là hình thức, vì bước 1 đơn vị trúng thầu đã phải khảo sát, đo đạc, thiết kế kiến trúc, kết cấu, các hạng mục công trình phụ trợ theo các tiêu chuẩn quy định và lập dự toán thi công theo thời điểm.
Hơn nữa, giá trị về tư vấn là rất nhỏ, chỉ chiếm từ 1 đến 2% so với giá trị dự án, trong khi thực hiện đấu thầu mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư và có thể mang tính hình thức tại bước 2, bước 3, đồng thời sẽ dẫn đến tiêu cực. Do vậy, đại biểu đề nghị tại Điều 21 nên bổ sung quy định áp dụng chỉ định thầu cho tất cả các gói thầu về tư vấn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Tán thành sự cần thiết phải áp dụng chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng để bảo đảm trường hợp đặc thù, người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm pháp lý về quyền này.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc tùy từng lĩnh vực mà được chỉ định thầu và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và có giảm giá phần trăm theo giá trị gói thầu có lợi cho chỉ định thầu. Đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá phải chịu trách nhiệm về tính khách quan của giá trị gói thầu sát, đúng để tránh tiêu cực, phòng ngừa có móc ngoặc trong thẩm định giá hàng hóa, vật tư, thiết bị.
Về bảo đảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, đại biểu Hòa nêu rõ, Điều 6 có quy định “nhà thầu tham dự thầu độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính” nhằm bảo đảm tính bình đẳng. Tuy nhiên, ở khoản 4 lại quy định “nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng những điều kiện trên”.
Do đó, đại biểu đề nghị nhà thầu được chỉ định cũng phải đáp ứng điều kiện này, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh việc ưu ái quá mức cho việc chỉ định thầu.
Gửi phản hồi
In bài viết