Không gian trưng bày sản phẩm chuyển đổi số của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Quang Thái
Một số nền tảng số rời rạc, thiếu kết nối
Từ kinh nghiệm thực tế khảo sát, đánh giá để cung cấp dịch vụ, đại diện một số doanh nghiệp công nghệ số cho biết, phần lớn doanh nghiệp mong muốn có giải pháp chuyển đổi số dễ dàng, rẻ và triển khai nhanh. Bên cạnh lo ngại về chi phí chuyển đổi số, thì nhiều doanh nghiệp đang gặp khó là do không biết chọn giải pháp nào để bắt đầu. Hoặc chuyển đổi số trong tình trạng rời rạc do mỗi phòng, ban dùng một giải pháp, dẫn đến không kết nối được với nhau, thông tin, dữ liệu phân mảnh, phải nhập đi nhập lại.
Chia sẻ trong đánh giá về thực trạng chuyển đổi số hiện nay, chuyên gia Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho rằng, mặc dù khuyến khích nền tảng mở, dữ liệu mở để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nhưng thực tế đa phần nền tảng, dữ liệu vẫn đang cục bộ.
Để tiếp cận tới doanh nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ số, hiệp hội đã triển khai nhiều giải pháp cũng như cung cấp nền tảng phục vụ chuyển đổi số. Gần đây nhất, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức các hội thảo với sự tham dự của hàng nghìn doanh nghiệp để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số.
Ở quy mô quốc gia, từ tháng 1-2021 đến hết tháng 6-2023, đã có 849.291 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình; trong đó có 135.329 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động.
Cung cấp nhiều giải pháp đồng bộ, ưu đãi
Theo Phó Tổng Thư ký VINASA An Ngọc Thao, VINASA đưa ra chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, với cam kết 100% nền tảng, giải pháp số đều được ưu đãi ít nhất 30% hoặc miễn phí sử dụng; 100% doanh nghiệp ứng dụng, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham dự chương trình đều được ưu đãi, tư vấn chuyển đổi số…
Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA Lê Hồng Quang cho hay, hiểu được những vướng mắc, lo ngại của doanh nghiệp chuyển đổi số, nên khi cung cấp dịch vụ, MISA đã chia thành các gói nhỏ phù hợp với quy mô từng doanh nghiệp. Thêm nữa, với dịch vụ đám mây (Cloud) dùng đến đâu trả tiền đến đó cho nhà cung cấp, MISA cũng kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ngành của nhiều địa phương đưa ra chương trình dùng thử dịch vụ 3-6 tháng cho doanh nghiệp, tặng giải pháp văn phòng số cho 10.000 doanh nghiệp, mỗi gói có giá trị 6-7 triệu đồng.
Theo Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone Nguyễn Tuấn Huy, trong 2 năm qua, doanh nghiệp này đã chuyển đổi mạnh mẽ từ cung cấp dịch vụ viễn thông đến cung cấp dịch vụ số. Các giải pháp, sản phẩm công nghệ số đã, đang thu hút nhiều khách hàng lựa chọn, như các gói: MobiFone Smart office (giải pháp điều hành doanh nghiệp), MobiEdu (nền tảng chuyển đổi số toàn diện), MobiFone eContract (hợp đồng điện tử); trong đó gói MobiFone Smart office hiện có trên 8.000 doanh nghiệp lựa chọn sử dụng...
Đại diện của Khối khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng Techcombank) chia sẻ, hiện ngân hàng này đã miễn phí giao dịch cho các doanh nghiệp trên nền tảng, tiến hành tặng các gói quản trị doanh nghiệp, tặng chữ ký số, nhằm thúc đẩy khách hàng nhanh chóng dịch chuyển sang môi trường số.
Trong khi đó, theo đại diện Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông - một doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, tăng trưởng doanh thu của công ty đã gấp 3 lần sau khi thực hiện chuyển đổi số. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết thông tin, hiện công ty cung cấp 3 giải pháp thông minh dựa trên công nghệ lõi là chiếu sáng: Smart home dựa trên nhu cầu sử dụng ánh sáng thông minh theo nguyên lý lấy con người làm trung tâm; Smart farm - kích thích tăng trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi; Smart city - tiết kiệm điện. Hiện công ty tham gia cung cấp tại nhiều tỉnh, thành phố, khu đô thị… trong nước với nhiều chương trình hấp dẫn.
Trong chia sẻ mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, nhiều sản phẩm số trong nước đóng góp quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Nhưng chỉ khi nào toàn bộ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ sản xuất, sinh hoạt... thì chuyển đổi số mới thành công.
Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. Chuyển đổi số nếu không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ công cuộc này sẽ không phải là người Việt Nam. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp số để đưa các sản phẩm công nghệ số này tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, vươn cao hơn, đi xa hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết