Nghe người già kể chuyện chè
Dù đã hơn 80 tuổi, ông Đặng Ỳ Tiến, vẫn giữ dáng vẻ tráng kiện, rắn rỏi của người vùng cao, ông Tiến kể tự hào lắm, những cây chè Phia Chang do tôi và vài người nữa mang về trồng đấy. Bên bếp lửa hồng như xua đi cái lạnh man mác khác hẳn cái oi ả, thiêu đốt ở thành phố, ông Tiến rót một chén chè màu xanh sẫm và bắt đầu thuyết minh cho câu chuyện của mình.
Sau khi về đây lập bản, bà con Phia Chang cũng vất vả với cuộc sống mưu sinh nơi vùng đất mới, ngày đó cũng chỉ biết làm nông nghiệp, thi thoảng vào rừng lấy măng, lấy củi gánh xuống dưới trung tâm xã đổi các nhu yếu phẩm duy trì cuộc sống. Chính những lúc vào rừng Phiêng Khao, giáp đất Bắc Kạn lấy măng, bà con thấy có nhiều cây chè cổ thụ mọc tự nhiên rất to, ngày đó mỗi người đều đặn hái chè về sao uống dần. Uống nhiều rồi bị nghiện lúc nào không hay, sau đó đến mùa cây chè cho quả, mỗi gia đình đều lấy vài quả về ươm, trồng rải rác khắp nơi trong thôn, và những cây chè cổ thụ cũng hình thành từ đó.
Những cây chè cổ thụ Phia Chang luôn được người dân nơi đây gìn giữ.
Giống chè nơi đây có đặc điểm lá mác to và dày hơn chè Shan tuyết ở các nơi khác, cây lớn khá chậm nhưng cho chồi búp liên tục, chè pha được nước và có màu xanh đặc trưng. Ông Tiến bảo: chè quê tôi ai uống một lần sẽ nghiện, nghiện bởi sự chát đầu môi nhưng ngọt hậu sau khi nhấp lưỡi, đặc biệt nơi đây không dùng thuốc bảo vệ thực vật, cũng không dùng phân bón, cây lớn tự nhiên qua sự hấp thụ linh khí đất trời và sự đào thải của thiên nhiên. Cộng thêm khí hậu trong lành quanh năm, chè được tắm mát bởi mạch nước ngầm từ lòng đất nên mang hương thơm, vị ngọt tinh khiết.
Chỉ tay ra xa, ông Tiến trầm ngâm, người Dao chúng tôi quý chè lắm, ngày mới trồng lớp thanh niên ra sức bảo vệ trâu, bò không phá hoại, khi chè ấm đất, phát triển nhanh thì lớp người già lại đi đầu trong truyền thụ cho con cháu cách chăm sóc cây chè, nó như mạch nguồn chảy mãi, chè như người bạn, giữ đất, giữ nhà, giữ người trước những cơn mưa rừng, lũ quét. Và từ khi có cây chè, người dân Phia Trang ngoài có thứ nước giải khát uống quanh năm đó, còn có thêm nghề mới, nghề bán chè Shan tuyết đặc sản.
Xây dựng thương hiệu bằng niềm tin
Sinh năm 1989, Trưởng thôn Triệu Văn Sính có thời gian dài làm việc dưới Hà Nội, trong căn nhà gỗ mới dựng, anh bảo, dưới Hà Nội, cánh thợ chúng em chỉ uống chè Phia Chang, đến những người sành chè ở các Hội quán trà đạo cũng đánh giá cao chất lượng, nhưng thương hiệu vẫn chưa vươn tầm.
Trên đỉnh núi Phia Chang hiện còn khoảng 800 cây chè cổ thụ có tuổi đời ngoài 70 năm, cộng thêm diện tích trồng thêm của bà con trong xã ghép cùng thôn Nà Cọn cũng đến gần 40 ha. Chè Phia Chang ngon là thế, nhưng hiện tại giá trị cây chè vẫn chỉ dừng lại ở mức “xuất khẩu” trong tỉnh và vài thị trường nhỏ lẻ.
Bí thư Chi bộ Đặng Văn Dấu là người tâm huyết đưa cây chè Phia Chang sớm có chỗ đứng trên thị trường.
Anh Đặng Văn Dấu, Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Trang kể chuyện với sự nặng trĩu, chè quê mình nhiều thật đấy, nhưng đến hôm nay, đầu ra cho sản phẩm vẫn còn khó khăn, việc tập trung đầu mối thu mua chè vẫn có tư tưởng mạnh ai nấy làm, giá bán mỗi cân chè thành phẩm cũng giao động từ hơn 200.000 đ tại các xưởng đến hơn 1 triệu đồng tùy nơi sản xuất. Mặc dù hiện nay, giá thu mua của HTX khá cao, chè loại 1 (1 tôm 1 lá) thu mua 50.000 đ/kg chè tươi; chè loại 2, loại 3 đều có giá từ 25.000 đ và 20.000 đ nhưng nguyên liệu thu mua vẫn chưa đảm bảo cho sản xuất được thường xuyên. HTX hiện có 3 máy sao chè công suất 2 - 3 tạ/máy nên toàn bộ chè của bà con thu hái đều được thu mua, sao sấy luôn. Đầu năm nay, để có đầu ra cho sản phẩm, anh Dấu cùng các xã viên đã quyết định liên kết cùng HTX Sơn Trà (Hồng Thái) để đóng gói, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Đang loay hoay vun lại gốc cho cây chè cổ thụ với chu vi gần 1 mét, tôi tò mò lắm, anh Triệu Văn Nhậy, người trong thôn kể, chúng tôi đang có kế hoạch bán cây chè ươm ra thị trường, để ra đời cây con có chất lượng, phải chọn ra những cây chè cổ thụ có sức sống tốt nhất, cho ra búp đều đặn và không có sâu bệnh để lấy hạt. Hạt chè sau khi ngâm nước lạnh, hút no nước sẽ được mang gieo, khi nảy mầm sau 2, 3 tháng thì bắt đầu trồng, nhưng phải trồng nơi sườn núi không bị đọng nước, có gió thì chè sẽ lớn nhanh.
Tự hào kể về thành quả của mình, anh Nhậy chia sẻ, ngoài làm thương hiệu cho chè thương phẩm, phải biết làm thương hiệu cho cây chè ươm, cũng có nhiều nơi đến đây mua cây chè về trồng và có chất lượng tốt, khác với chè nơi khác chè Phia Chang sau 5 năm được thu hái, cứ đến mùa lại đốn, càng đốn càng mọc nhanh, chồi từ gốc đến ngọn, nếu so sánh về giá trị thì chè nơi đây hoàn toàn có thể sản xuất đại trà và cung cấp số lượng lớn ra thị trường.
Tuy mới làm Trưởng thôn hơn 1 năm, nhưng anh Triệu Văn Sính cũng có nhiều tâm sự, anh trăn trở, toàn thôn có 85 hộ nhưng chỉ có khoảng 20 hộ có chí hướng gắn bó với cây chè, nếu xem trên mạng Internet nhiều nơi có thương hiệu chè Shan Tuyết khá nổi tiếng ở Yên Bái, Sơn La, Hà Giang… được đông đảo khách hàng ủng hộ, thế mà Chè Phia Chang chất lượng không kém nơi nào mà vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường. Tôi vẫn nhớ mãi câu của nói của Bí thư Chi bộ Đặng Văn Dấu, chè Phia Chang uống ngon một lần sẽ nhớ mãi, nhưng muốn làm được thương hiệu thì ngoài việc nỗ lực của HTX cần hơn hết vẫn là sự chung tay của người dân trong thôn. Nếu sản phẩm có chỗ đứng thì đời sống của người dân sẽ dần khấm khá lên trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết