Để tinh gọn bộ máy đồng bộ, hiệu quả

Tinh gọn bộ máy là một yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giảm thủ tục hành chính rườm rà và tăng cường tính minh bạch, hiệu quả. Việc tinh gọn bộ máy hành chính cần đồng bộ đảm bảo sự nhất quán và thống nhất trong hệ thống.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là một việc quan trọng, "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" là cấp bách hiện nay. Cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Hiện nay, những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy gây ra nhiều hệ lụy. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, "lấn sân", cản trở, thậm chí "vô hiệu hóa" lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Ảnh minh họa: xaydungdang.org.vn 

Trên thực tế, chúng ta đã thực hiện tinh gọn bộ máy nhiều lần nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế, đặc biệt có những thời điểm chúng ta nói rất mạnh về kiện toàn thì thậm chí bộ máy lại phình ra. Chúng ta nói rất nhiều về tinh giản biên chế thì cuối cùng số lượng biên chế lại tăng lên.

Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta đạt được một số kết quả khá tốt, khá tích cực. Tuy nhiên, kết quả chưa thật sự đồng bộ, chưa thật quyết liệt và cũng chưa đạt nhiều hiệu quả.

Trước hết, để thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy một cách đồng bộ thì phải thay đổi tư duy. Trong thời gian gần đây, Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng XII và XIII của Đảng đã đặt vấn đề chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia. Để làm được điều đó, bộ máy tổ chức phải sắp xếp tinh gọn, phù hợp yêu cầu. Còn nếu chúng ta vẫn không bỏ tư duy kinh tế kế hoạch tập trung trước đây thể hiện ở tổ chức thiết kế bộ máy, thì không thể nào đáp ứng yêu cầu về quản trị quốc gia, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, nếu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị không thực hiện tinh gọn thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, tinh gọn bộ máy yêu cầu triệt để và khoa học đòi hỏi thống nhất mục tiêu và định hướng; việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần được nhìn nhận và tiến hành một cách đồng bộ, tổng thể, hai chiều: Từ trên xuống và từ dưới lên, cả theo chiều dọc và chiều ngang, đi vào thực chất, không phải làm nhiều lần, không gây lãng phí và kém hiệu quả. Tinh gọn tổ chức của bộ máy cả về chức năng và nhiệm vụ, cả về nguyên tắc vận hành, cơ chế hoạt động để cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.

Thứ ba, khi tinh gọn bộ máy, chúng ta tránh cách làm rập khuôn. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; nhiệm vụ, quyền hạn giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn chồng chéo ở nhiều nơi nên khi thực hiện tinh gọn tránh sáp nhập một cách cơ học mà tổ chức sắp xếp phải đáp ứng nhu cầu của bối cảnh hiện nay.

Thứ tư, ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, gây ra mâu thuẫn, chồng chéo khi triển khai công việc.

TS HOÀNG ĐĂNG TRỊ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo QĐND

Tin cùng chuyên mục