Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, trong các năm qua, khối lượng tiền mặt trong lưu thông tăng lên phù hợp quy mô phát triển của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ in, sao chụp, xử lý hình ảnh và internet, việc làm tiền giả dễ dàng thực hiện hơn, kỹ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi hơn.
Ở nước ta, tình trạng tội phạm lưu hành, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả đã xảy ra tại một số địa phương với thủ đoạn, phương thức ngày càng phức tạp. Tiền Việt Nam bị làm giả làm giảm giá trị của đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, tác động đến an ninh tiền tệ quốc gia, giảm lòng tin của người dân vào chính sách, công tác quản lý, điều hành tiền tệ của nhà nước.
Theo các cơ quan chức năng, trước đây, tiền giả chủ yếu sản xuất ở nước ngoài, được vận chuyển, đưa vào trong nước tiêu thụ. Những năm gần đây, đã xuất hiện tội phạm làm tiền giả tại một số địa bàn như: Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định… Trong những năm qua, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã phát hiện, triệt phá hàng nghìn vụ liên quan đến tiền giả, thu giữ nhiều tang vật liên quan. Lượng tiền giả thu giữ qua cơ quan chức năng và hệ thống ngân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng tiền giả.
Trước đây, tiền giả chủ yếu được in ở nước ngoài trên chất liệu nilon. Những năm gần đây, đã xuất hiện tiền giả được in trong nước, chủ yếu trên giấy. Nhìn chung, các loại tiền giả tiền polymer có kỹ thuật làm giả đơn giản, dễ kiểm tra nhận biết bằng tay và mắt thường. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm tiền giả trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.
Do vậy, để công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam đạt hiệu quả và toàn diện, cần thiết bổ sung thêm lực lượng chức năng tham gia và tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
NHNN cũng cho biết, thực tiễn công tác phòng, chống tiền giả cho thấy, phạm vi hoạt động của tội phạm làm tiền giả ngày càng rộng, bao gồm cả nội địa và khu vực biên giới đất liền và vùng biển. Tuy nhiên, trong văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam (Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam) chỉ quy định công tác phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng và lực lượng hải quan.
Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị định về trách nhiệm tham gia của lực lượng quân đội nhân dân như lực lượng cảnh sát biển, lực lượng điều tra hình sự quân đội... nhằm tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng của cơ quan công an, lực lượng quân đội nhân dân, cơ quan hải quan và NHNN trong công tác phòng, chống tiền giả, góp phần hạn chế rủi ro về tiền giả cho các tổ chức, cá nhân giao dịch trong xã hội và bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam.
Trong xu thế phát triển, hội nhập và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý là yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi trong thực tiễn thi hành. Việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Quyết định 130/2003/QĐ-TTg sẽ đảm bảo hành lang pháp lý nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế xã hội trong việc phát hiện, thu giữ tiền giả, tiền nghi giả, giám định tiền giả, tiền nghi giả, giao nhận, bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy tiền giả và công tác bảo vệ tiền Việt Nam, khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Gửi phản hồi
In bài viết