Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên họp chiều 25/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Chiều 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Quy định chặt chẽ việc chuyển nhượng vốn góp của các thành viên hợp tác xã
Góp ý kiến về nội dung chuyển nhượng vốn góp, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) tán thành phương án như Chính phủ trình, theo đó đề nghị quy định việc chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên.
Dự thảo Luật bổ sung quy định mới: phần vốn góp mà thành viên cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng sở hữu sau khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không vượt quá vốn góp tối đa theo quy định của Luật này và điều lệ.
Theo đại biểu, quy định này là phù hợp với điều kiện ngày càng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng, quyền tự do của các thành viên hợp tác xã.
Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ cho cả bên bán và bên mua đều đồng ý chuyển nhượng nhưng phải bảo đảm tôn chỉ, nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã.
Đại biểu Thạch Phước Bình tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đồng thời, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn việc cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp; tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành viên thành viên chính thức.
Có chung quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng ngoài việc ưu tiên cho thành viên hợp tác xã nhận chuyển nhượng, có thể quy định nếu thành viên hợp tác xã không nhận chuyển nhượng thì có thể cho phép chuyển nhượng ra ngoài. Đại biểu cho rằng đây cũng là một điều kiện để cho hợp tác xã nâng cao chất lượng thành viên của hợp tác xã.
Trong phiên thảo luận, cũng có một số ý kiến bày tỏ quan điểm khác với đề xuất của Chính phủ, đề nghị không quy định về chuyển nhượng phần góp vốn của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; mà chỉ quy định về trả lại phần góp vốn khi chấm dứt tư cách thành viên ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã.
Bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như kinh nghiệm của quốc tế
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ quan điểm của Chính phủ là trình Quốc hội cho phép các thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyển nhượng vốn góp của mình khi không còn nhu cầu tham gia
Theo Bộ trưởng, quy định này nhằm bảo đảm quyền kinh doanh, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm nguyên tắc mở về thành viên tham gia, rút khỏi hợp tác xã như kinh nghiệm của quốc tế, phù hợp với quy tắc phát triển thành viên, đặc biệt là thu hút thành viên có đủ năng lực để tham gia.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đồng thời, tránh tình trạng một thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng, tài sản lớn khi chấm dứt tư cách thành viên rút các tài sản này ra mà không được chuyển nhượng thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.
Bộ trưởng cũng cho biết, để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã cũng như thao túng của các cá nhân, chi phối khi nhận chuyển nhượng, dự thảo Luật đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của mỗi thành viên, đó là không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã, không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Các cá nhân, tổ chức khi nhận chuyển nhượng vốn góp phải tuân thủ tôn chỉ, điều lệ của hợp tác xã, và phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên chuyển nhượng vốn góp cho các thành viên trong hợp tác xã trước. Sau 60 ngày nếu không ai mua, nhận chuyển nhượng thì được bán ra ngoài.
Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này.
Đối với việc tham gia hợp tác xã của người nước ngoài, Bộ trưởng nêu rõ dự thảo Luật đã có quy định chặt chẽ để thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tranh thủ nguồn lực nhưng vẫn ngăn chặn hiệu quả việc chi phối, thâu tóm. Theo Bộ trưởng, đây là cơ chế mở, cần bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề phát triển kinh tế hợp tác.
Gửi phản hồi
In bài viết