Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP được xây dựng nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và các tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ khi tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (BHCNBB); mở rộng số lượng các cơ sở tham gia BHCNBB, giúp bảo vệ tài chính cho các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Theo đó, dự thảo đề xuất bổ sung khoản 2a sau khoản 2 Điều 3 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP. Do Nghị định số 23/2018/NĐ-CP chưa có quy định về việc DNBH cấp Giấy chứng nhận BHCNBB nên Bộ Tài chính đề xuất quy định như sau:
“Doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp Giấy chứng nhận BHCNBB cho bên mua bảo hiểm. Giấy chứng nhận BHCNBB do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này”.
Đồng thời, để DNBH và bên mua bảo hiểm thuận lợi trong việc xác định mức phí bảo hiểm của cơ sở sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E, dự thảo đề xuất quy định trách nhiệm của Bộ Công an như sau:
“Ghi hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp tại Biên bản nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có)”.
Quy định chế độ báo cáo của DNBH đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu
Để quy định về chế độ báo cáo của DNBH đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định chế độ báo cáo của DNBH như sau:
“1. Lập và gửi các báo cáo đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định sau:
a) Báo cáo nghiệp vụ: DNBH phải lập và gửi Bộ Tài chính báo cáo nghiệp vụ năm theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, cụ thể như sau:
Thời gian chốt số liệu tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo. Thời gian gửi báo cáo chậm nhất sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm; phương thức gửi báo cáo: Gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc gửi qua hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính (khi hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính được vận hành).”
b) Báo cáo tình hình thu, nộp từ BHCNBB cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy: DNBH phải lập và gửi Bộ Công an báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, cụ thể như sau:
Thời gian chốt số liệu: Báo cáo 6 tháng đầu năm: Tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 của năm báo cáo. Báo cáo 6 tháng cuối năm: Tính từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo. Thời gian gửi báo cáo: Báo cáo 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 31 tháng 7 hàng năm. Báo cáo 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 31 tháng 01 của năm tài chính kế tiếp...
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Gửi phản hồi
In bài viết