Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ động xây dựng Cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Cơ sở dữ liệu) và đã bước đầu đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ ngày 15/3/2018. Việc sử dụng Cơ sở dữ liệu này là nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời theo dõi, nắm bắt thông tin liên quan đến khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và xử lý kiến nghị, phản ánh, hạn chế tình trạng đơn thư trùng lặp và tiết kiệm thời gian thu thập, theo dõi, thuận lợi cho công tác tổng hợp, báo cáo.
Đến nay, đã có 81/93 bộ, ngành, địa phương sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu; 12/93 bộ, ngành, địa phương chưa cập nhật các vụ việc khiếu nại, tố cáo vào hệ thống Cơ sở dữ liệu.
Tuy nhiên, việc triển khai Cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo gặp khó khăn, vướng mắc do hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về việc cập nhật, duy trì, kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu, chưa có quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương phải cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu để hình thành dữ liệu về vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thống nhất, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương. Mặt khác, theo yêu cầu của Luật Công nghệ thông tin, việc quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia và xây dựng, cập nhật, duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia; ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Từ các lý do trên, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là cần thiết để thực hiện quy định của pháp luật về tiếp công dân và để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về vấn đề này.
Nguyên tắc xây dựng, quản lý và sử dụng
Dự thảo Nghị định nêu rõ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là tập hợp các thông tin, dữ liệu về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh được xây dựng, quản lý theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Cơ sở dữ liệu được xây dựng trên cơ sở số hóa hồ sơ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các tài liệu nghiệp vụ bằng giấy khác, có cấu trúc phù hợp với các tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào của hệ thống, bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực với hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ.
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu. Theo đó, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền, mục đích theo quy định của pháp luật; bảo đảm việc quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu chặt chẽ, an toàn, thông suốt.
Đồng thời, dự thảo cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Cập nhật thông tin, dữ liệu không đầy đủ, chính xác; làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu; truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu; khai thác, sử dụng, tiết lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu trái pháp luật hoặc lợi dụng việc cung cấp thông tin để trục lợi; phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của Cơ sở dữ liệu.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh, cấp huyện cập nhật kịp thời thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình vào Cơ sở dữ liệu; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, dữ liệu do mình cập nhật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Gửi phản hồi
In bài viết