Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.
Ổn định nguồn hàng
Chủ tịch HÐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, mặc dù phải đối diện những khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể người lao động, đã giúp đơn vị từng bước vượt khó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt mức tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Hiện tổng công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 10 và đang tiếp tục đàm phán, ký hợp đồng cho những tháng tiếp theo. Bên cạnh tín hiệu tích cực của thị trường, đơn vị vẫn phải đối diện với một số khó khăn như hiệu quả kinh doanh không như mong muốn, các đơn hàng giá thấp còn nhiều. Tuy lượng đơn hàng đã ký khá lớn song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi dịch Covid-19 chưa được khống chế, kiểm soát hoàn toàn nên nguy cơ bị hủy, giãn đơn hàng vẫn rất cao. Ðể nâng cao hiệu quả kinh doanh, DN đang từng bước chuyển dịch sang sản xuất hàng dệt kim bên cạnh các mặt hàng truyền thống. Ðồng thời, phải đa dạng hóa sản phẩm, sẵn sàng ký và sản xuất các đơn hàng nhỏ, phù hợp thị hiếu và đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long khẳng định, nguồn hàng của May 10 tương đối ổn định, đã ký tới tháng 9 nhưng hiệu quả mang lại không cao. Sở dĩ có tình trạng này bởi dịch Covid-19 diễn biến khó lường và để bảo đảm việc làm cho người lao động, ngay từ quý IV-2020, May 10 đã ký đơn hàng số lượng lớn nhưng giá thấp hơn nhằm duy trì hoạt động sản xuất. Ðiều đó dẫn tới doanh thu của May 10 trong những tháng đầu năm 2021 giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hy vọng khi bắt tay vào sản xuất, những đơn hàng mới sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Theo tín hiệu của thị trường cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đang có sự tăng trưởng ổn định, tốt dần lên và khả năng đạt "đỉnh" như năm 2019 là điều có thể. Ðáng chú ý, do biến động của thị trường Mi-an-ma và Cam-pu-chia, cho nên lượng đơn hàng đổ về Việt Nam đang ngày một nhiều, nhưng các DN lại đang phải đối diện với tình trạng thiếu lao động khiến năng lực sản xuất bị hạn chế. Theo thông lệ, những tháng đầu năm, lực lượng lao động thường có sự biến động lên đến 10%, điều này khiến nhiều DN bị vướng, không đẩy mạnh được sản xuất. Do vậy, các DN cần phải xây dựng các giải pháp nhằm thu hút người lao động cũng như có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để họ gắn bó lâu dài với DN. Chung quan điểm, Chủ tịch HÐQT Hugaco Nguyễn Xuân Dương cho rằng, bên cạnh việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động qua đó sẽ nâng cao năng suất, DN cũng phải xác định nếu có thu nhập tốt thì khả năng thu hút lao động sẽ tốt hơn. Có như vậy người lao động mới tin tưởng, yên tâm làm việc và gắn bó với DN.
Thích ứng nhanh thị hiếu
Theo các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam trong bốn tháng qua đã có tín hiệu khởi sắc hơn so cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã ký và đi vào thực thi. Ðánh giá vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang khẳng định, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có nhiều chính sách và động thái hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hóa đã tạo "bệ đỡ" để DN đẩy mạnh sản xuất, phát triển. Bên cạnh đó, việc ký nhiều FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tận dụng ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực. Sự hồi phục xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong những tháng qua đã mở ra tín hiệu tích cực cho những tháng tiếp theo khi nhiều DN đã có đơn hàng đến hết quý III và cuối năm. Nếu tín hiệu thị trường thuận lợi, việc đạt được mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD vào cuối năm là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 trên thế giới, đòi hỏi các DN cần có các giải pháp linh hoạt, thích ứng nhanh với thị hiếu tiêu dùng. Trong đó, tập trung sản xuất những đơn hàng nhanh, số lượng nhỏ, đi sâu vào giá trị chuyên biệt, nâng cao giá trị sản phẩm. Từng bước giảm tỷ trọng hàng gia công, cắt may thuê, chuyển dần sang sản xuất hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (thiết kế, sản xuất, bán thành phẩm),... Ngoài ra, tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; đầu tư các máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo nhận định của Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường, trong khi sức cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng gay gắt, khốc liệt. Do đó, thời gian tới, ngành dệt may cần thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đi đầu trong xu hướng sản xuất "xanh hóa", phát triển theo chiều sâu, gia tăng sản phẩm có giá trị cao, cải tiến công tác quản trị, tái cấu trúc các DN, tạo chuỗi cung ứng nội khối và hệ sinh thái dệt may tiên tiến, tận dụng tốt các FTA, tham gia sâu chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, phát triển dòng thương hiệu của Vinatex. Ðồng thời Vinatex kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035, chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA, nhất là EVFTA, CPTPP; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất, tiếp tục giảm lãi suất vay dài hạn,... để hỗ trợ DN đầu tư, đẩy mạnh phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết