Con đường di cư từ Địa Trung Hải đến châu Âu được sử dụng nhiều nhất và nguy hiểm nhất.
Trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, các nhà phân tích nhận định những biện pháp phong tỏa ở các nước châu Âu đã ảnh hưởng đến người di cư bất hợp pháp và người xin tị nạn. Cụ thể, việc kiểm soát biên giới, hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 đã làm giảm đáng kể làn sóng di cư đến châu Âu. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, vào năm 2020, số đơn đăng ký xin tị nạn tới EU giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những con số này đã tăng lên trong năm 2021. Và dường như việc các nước nới lỏng hạn chế trong ứng phó với đại dịch Covid-19 đã trở thành một nhân tố thúc đẩy gia tăng di cư.
Điều này phản ánh qua việc số người vượt biển bất hợp pháp qua tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải từ năm 2020 đến năm 2021 tăng gấp đôi, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã ghi nhận 1.163 người di cư mất tích trên biển trong khu vực tính đến tháng 9-2021 so với 619 ca tử vong trên biển trong cùng thời kỳ trước đó.
Theo Frontex, từ tháng 1 đến 8-2021, lượng người di cư sang EU tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020. Lưu lượng qua tuyến đường phía Tây Balkan - chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ sang các nước vùng Balkan như Albania, Serbia, Bắc Macedonia và tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải tăng gần gấp đôi. Frontex nhận định trên tờ DW: “Việc nới lỏng các hạn chế về dịch Covid-19 là một yếu tố chính trong sự gia tăng tổng thể của người di cư bất hợp pháp. Những hậu quả về kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra ở nhiều nước kém phát triển có khả năng tiếp tục thúc đẩy dòng người di cư”.
Cũng theo ghi nhận của Frontex, trong năm 2021, người Syria chiếm số lượng lớn nhất trong dòng người di cư trái phép vào EU, tiếp đến là Tunisia, Maroc, Algieria và Afghanistan. Bên cạnh đó, một yếu tố thúc đẩy lượng người di cư bất hợp pháp chính là sự phục hồi kinh tế không đồng đều buộc người dân phải tìm kiếm cơ hội mưu sinh ở nước ngoài.
Ông Martin Hofmann, Cố vấn cấp cao của Trung tâm Phát triển chính sách di cư quốc tế (ICMPD) cho biết: “Ở Tunisia, du lịch suy giảm kéo theo sụt giảm thu nhập đã thúc đẩy nhiều người dân cố gắng tìm đường đến châu Âu. Sự mất cân bằng về kinh tế ngày càng tăng đang tạo ra nhiều yếu tố khiến làn sóng di cư bất hợp pháp đổ về các nước giàu có (và đang phục hồi nhanh hơn) ở phía Bắc toàn cầu".
Có thể thấy, vấn nạn di cư trái phép vẫn là thách thức hiện hữu của Lục địa già. Các quốc gia thành viên đã phản ứng bằng việc xây dựng một loạt trại tị nạn và hàng rào thép, ở các biên giới phía Đông của EU. Tuy nhiên, dù nhiều thành viên EU nhất trí về sự cần thiết của các biên giới cứng, nhưng một số quốc gia như Ba Lan, đã phản đối thủ tục xin tị nạn nhanh chóng ở biên giới. Điều đó có nghĩa là một phần của Hiệp ước về di cư và cư trú mà Ủy ban châu Âu đã công bố hồi tháng 9-2020, chưa thể thực thi. Ngày 31-8-2021, EU cho biết khối đã “quyết tâm hành động chung để ngăn chặn sự tái diễn của các phong trào di cư bất hợp pháp quy mô lớn không kiểm soát được trong quá khứ”.
Làn sóng di cư bất hợp pháp tác động trực tiếp đến nền kinh tế châu Âu. Do đó, để tránh phải đối mặt với một “cơn bão di cư hoàn hảo” sau đại dịch Covid-19, Lục địa già cần phải có cách giải quyết hiệu quả sự bất ổn dẫn đến tình trạng này.
Gửi phản hồi
In bài viết