Cú rẽ ngang “ngoạn mục”
Dáng người nhỏ bé nhưng vô cùng nhanh nhẹn, chu đáo, nhiệt tình là những gì mà khách hàng nhận xét về Giàng Thị Phương - cô chủ hàng cá chuyên cung cấp các loại cá đặc sản cho khách hàng trong huyện, trong và ngoài tỉnh. Từ việc bán hàng trên trang facebook cá nhân, bằng uy tín và sự chân thành trong kinh doanh, đến nay chị đã có một lượng khách quen khá ổn định.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cô gái bán cá này có hành trình khởi nghiệp đầy thú vị… Chị Phương vui vẻ kể về hành trình bước vào nghề buôn bán của mình: “Gia đình tôi không có truyền thống kinh doanh hay buôn bán. Bản thân tôi trước đây cũng chưa từng nghĩ đến chuyện từ bỏ theo đuổi công việc nhà nước để đi kinh doanh. Vì thời điểm đó tôi không nghĩ có tấm bằng cử nhân trên tay rồi lại khó xin việc đến thế. Nhưng có lẽ ước mơ, khao khát được làm giàu và không chịu ngồi một chỗ đợi chờ công việc nhà nước đã khiến tôi rẽ ngang đi theo con đường buôn bán tự lúc nào”.
Chị Giàng Thị Phương (bên phải), tham gia chương trình thiện nguyện cùng CLB Thiện Nguyện Na Hang.
Năm 2005, chị tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp). Những năm đó, nhà nước đẩy mạnh đào tạo đại trà, nên việc tìm được một công việc ổn định và thu nhập tốt là việc khá khó khăn. Mà thời điểm đó lúc nào trong đầu chị cũng bị ám ảnh bởi “chữ tiền” và lúc đó chị chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Mình phải làm gì để có thu nhập, có cuộc sống tốt hơn - chị Phương tâm sự.
Vừa đánh vẩy cá, chị Phương vừa vui vẻ kể, năm 2011, lúc đó chị vào nghề bán cá được 6 năm, thời điểm đó huyện Lâm Bình được thành lập, mọi người khuyên chị làm hồ sơ để dự tuyển lên đó, trên đó đang thiếu cán bộ. Nói đến đây chị cười tươi rồi nói, thực ra chị ngồi chợ lâu nên cũng thấy hợp với nghề này rồi mà lại còn được gần nhà nữa nên chị cũng không muốn đi làm “cán bộ” nữa.
20 năm bám trụ với nghề
Vừa chuyển xong chuyến hàng về xuôi cho khách, chị Phương tranh thủ ngồi nghỉ để chuẩn bị những đơn hàng tiếp theo. Người phụ nữ này đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề buôn cá. Chị Phương tâm sự, từ ngày theo nghề bán cá vợ chồng chị có chung một nỗi khổ là ngày đông, cũng như ngày hè, trời mưa hay không mưa thì vẫn cứ là dậy từ 4 giờ để đi nhập hàng. Khi mọi người chìm trong giấc ngủ thì vợ chồng chị lại bắt đầu làm việc hăng say nhất. Dân buôn cá như vợ chồng chị còn khổ gấp đôi, nhất là vào những ngày mưa, ngày giá rét phải khoác lên người bộ quần áo mưa kín mít từ đầu xuống chân, kèm theo đôi ủng, găng tay cao su, đầu đội mũ, cả người chỉ hở mỗi cái mặt.
“Chẳng ai bắt mình phải mặc áo mưa và đi ủng cả. Nhưng suốt ngày phải bắt cá sống, bê nước từ chậu này đổ sang chậu kia, cá quẫy nước bắn tung tóe, rồi làm cá cho khách,... nếu không mặc áo mưa thì người ướt hết, tanh lòm nữa. Không những thế, quần áo vải sẽ nhanh hỏng, bùn đất có bám vào thì khó mà giặt sạch. Lúc đó, quần áo chẳng khác mớ giẻ lau nhà”, chị Phương nói.
Vợ chồng chị Giàng Thị Phương chuẩn bị hàng cho khách.
Chị Phương kể, lúc bắt đầu vào nghiệp buôn cá, chuyện mặc bộ quần áo mưa trong lúc làm việc như là cực hình với chị. Dần rồi cũng quen, không có bộ áo mưa trên người còn thấy như thiếu thiếu cái gì. Hậu quả, khi về nhà, cởi bộ quần áo mưa ra, cơ thể bốc mùi, đứng cách xa 2 m vẫn ngửi thấy. Dân buôn cá thường ví cái mùi đó giống như mùi cá chết. Còn da chân, da tay trắng ợt, nhăn nheo do phải tiếp xúc với nước trong thời gian dài. Người ta nói “thà nằm đất với cô hàng hương còn hơn nằm giường với cô hàng cá”, nhưng vợ chồng chị vẫn bám trụ với công việc đã chọn.
20 năm “ngồi chợ” chị Phương chẳng to tiếng với ai. Còn với chị người ta nói chị là “hàng tôm”, “hàng cá” cũng đúng mà! Vì chị là người bán tôm, bán cá ngoài chợ thôi. Quan điểm của chị mỗi công việc, nghề nghiệp đều khởi nguồn từ nhu cầu của xã hội. Trong muôn ngàn nhu cầu của cuộc sống thì có người làm ra sản phẩm, lại có người đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Mỗi người làm tròn chức phận của mình thì xã hội sẽ vận hành tốt đẹp. Chợ là nơi gặp nhau giữa người bán và người mua. Vậy thì tiểu thương cũng là một mắt xích không thể thiếu được để con người tồn tại như bao nghề nghiệp khác nên chẳng nên hiềm khích, tranh giành, to tiếng với nhau để làm gì.
“Phương cá”
Về Na Hang bây giờ, hỏi chị Phương bán cá ai cũng biết bởi hiện nay chị là một trong những “chủ cá” lớn nhất nhì của huyện. Các mặt hàng của chị đang dần chiếm lĩnh khắp các thị trường của huyện. Đến nay, mỗi ngày chị cũng xuất ra thị trường hàng tạ cá. Khách hàng chủ yếu của chị Phương bây giờ là các nhà hàng trên địa bàn huyện và các chủ buôn trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh bạn như: Hải Dương, Nam Định. “Cơ may gặp những mối làm ăn tốt bụng nên việc làm ăn ngày càng phát đạt. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. Ở đây chẳng ai gọi tôi là đại gia hay chủ doanh nghiệp, tôi chỉ làm kinh tế hộ gia đình thôi. Cứ gọi tôi là “chị Phương bán cá” được rồi…”- chị Phương hóm hỉnh nói.
Chị Giàng Thị Phương, hằng ngày đều đóng gói hàng hóa và chuẩn bị đơn hàng để giao cho khách.
Đi lên từ gian khó, không chỉ kinh doanh giỏi, chị còn được biết đến là một người giàu lòng nhân ái, thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện của địa phương. Nhìn cử chỉ, hành động đầy nhiệt huyết và lòng yêu thương khi nhắc đến công việc thiện nguyện, tôi thấu hiểu chị đam mê từ thiện như thế nào! Chị nói: “Đam mê từ thiện nó ngấm vào trong máu rồi”.
Nhất là trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn gia tăng, các khu cách ly của huyện thiếu thốn đủ thứ. Thấy vậy chị đã đi kêu gọi bạn bè, các mạnh thường quân ủng hộ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, sữa, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết tặng cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, tham gia hỗ trợ nấu ăn tại khu vực cách ly tập trung của huyện.
Ngoài ra, hằng năm tặng quà cho hộ nghèo trong các dịp lễ, tết, trao quà cho các em học sinh nghèo, tiếp bước cho em đến trường, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu… Với chị Phương, quá trình làm từ thiện châm ngôn của chị chính là “trao yêu thương và nhận yêu thương”, chị không mong muốn người chị giúp đỡ sẽ trả ơn mà chị nghĩ rằng cho đi sẽ nhận lại được rất nhiều, nếu giúp đỡ họ thì sẽ có người khác giúp lại mình.
Với chị Phương gần 20 năm làm nghề bán cá, niềm vui của chị không chỉ là khi khách hàng chung thủy và phản hồi tích cực, mà còn vì có thêm điều kiện để được làm những việc có ích như giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Gửi phản hồi
In bài viết