Nhiều container hàng hóa ùn ứ tại một cảng biển ở Trung Quốc do các kênh vận tải bị gián đoạn.
Với quyết tâm theo đuổi chiến lược “Không Covid” (Zero Covid), hiện có tới 23 thành phố của Trung Quốc (đóng góp 22% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho nền kinh tế số một châu Á) đã ngừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần. Việc nhiều thành phố bị phong tỏa khiến hầu hết các tuyến vận tải bị gián đoạn.
Điều này thể hiện rõ nét tại Thượng Hải - điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là nơi xử lý khoảng 17% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Trung Quốc. Tới nay, lượng hàng hóa lưu thông qua các cảng của thành phố 26 triệu dân này đã suy giảm 40%. DSV - công ty cung cấp dịch vụ vận tải hàng đầu thế giới cho biết, các chuyến bay vận chuyển hàng hóa đến sân bay Phố Đông (Thượng Hải) hiện chỉ bằng 3% so với tháng trước.
Tình hình các tuyến vận tải đường bộ cũng không khả quan hơn khi ngày càng có nhiều thành phố tại Trung Quốc yêu cầu lái xe tải phải xét nghiệm PCR, cách ly những người nhiễm Covid-19. Theo Giám đốc Phát triển kinh doanh Đông Á Jarrod Ward của Công ty Quản lý chuỗi cung ứng Yunsen Logistics (Nhật Bản), điều này dẫn tới tình trạng thiếu lái xe, khiến tốc độ lưu thông hàng hóa giảm trầm trọng.
Hệ quả của vận tải chậm chạp là sản xuất ngưng trệ. Các nhà máy ở Thượng Hải, Thâm Quyến, Côn Sơn…, tuy rất cố gắng duy trì hoạt động bằng cách cho công nhân ở lại, chủ động tích trữ hàng hóa phục vụ sản xuất, linh hoạt điều chuyển các tuyến và hình thức vận tải… nhưng chưa thể bảo đảm sản lượng. Trong tuần đầu tháng 4 này, một số nơi thậm chí đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguyên liệu. Côn Sơn - thủ phủ linh kiện điện tử của Trung Quốc; Thẩm Dương - nơi đặt liên doanh của BMW hay Cát Lâm - nơi đặt nhà máy của Volkswagen... đều đã ghi nhận sự gián đoạn của các dây chuyền sản xuất.
Trong bối cảnh mắt xích Trung Quốc tạm bị "cách ly", nền kinh tế toàn cầu không tránh khỏi ảnh hưởng, mà trước hết là nguồn cung sản phẩm cho hàng loạt lĩnh vực kinh doanh bị bóp nghẹt. Các thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu đã chìm trong sắc đỏ trong các phiên giao dịch tuần qua, với chỉ số Nikkei đã giảm 1,5%, chỉ số Hang Seng giảm hơn 2%. Theo Hãng nghiên cứu Natixis Asia Research, sự đình trệ trong giao thương với Trung Quốc còn ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực tới các nền kinh tế mới nổi và có nhu cầu tài chính lớn. Một số ý kiến cũng cảnh báo về nguy cơ “hậu ùn tắc” khi dòng chảy hàng hóa được khơi thông dẫn tới sự bùng nổ về giá cước giao ngay do lượng hàng hóa vận chuyển tăng đột biến.
Lúc này, tín hiệu tích cực cho phép giới chuyên môn tin vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc nằm ở nỗ lực dồn nguồn lực đẩy lùi dịch bệnh mà Bắc Kinh đang thực hiện. Hiện đã có khoảng 38.000 nhân viên y tế và 2.000 binh lính được triển khai tới Thượng Hải để hỗ trợ chống dịch. Một số tuyến vận tải mới cũng phần nào giúp giảm ách tắc lưu thông hàng hóa. Thay vì vận tải qua Thượng Hải, nhiều doanh nghiệp giờ đây đã thiết lập kênh vận tải đường thủy qua các cảng tại: Ninh Ba, Thanh Đảo, Thiên Tân. Trong khi đó, tuyến vận tải hàng không có điểm trung chuyển mới tại Trịnh Châu.
Có thể thấy, diễn biến dịch tại Trung Quốc đang tác động xấu tới chuỗi cung ứng toàn cầu - vốn đã ở trạng thái "trật ray" do dịch Covid-19 và chiến sự tại Ukraine. Thực tế này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp nói riêng và các nền kinh tế nói chung cần chủ động tính các giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó đặc biệt quan trọng là thiết lập được các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết