Người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở London (Anh). Ảnh: Getty
Ngày 17-3, Tiến sĩ Alejandro Cravioto, người đứng đầu nhóm chuyên gia cố vấn miễn dịch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) đã được chứng minh là hiệu quả tại các quốc gia có các biến chủng vi rút SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng. Cụ thể, vắc xin này có thể giảm tới 66,9% các triệu chứng viêm nhiễm, ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng với hiệu quả tới 76,7% sau 14 ngày và 85,4% sau 28 ngày.
Ngoài ra, vắc xin này phù hợp với mọi lứa tuổi, sắc tộc và giới tính. Hiện vắc xin của Johnson & Johnson được giới chức y tế các nước Mỹ, Canada và Nam Phi đánh giá cao.
Châu Mỹ
Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hôm 17-3 cho thấy, hơn 113 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được sử dụng ở nước này, tương đương với 77% số liều vắc xin đã được phân phối. Theo CDC, khoảng 22% dân số Mỹ, tức là gần 74 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin; và 12% dân số, tức là gần 40 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm nhận định, vẫn chưa thể kết luận khi nào Mỹ sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trước vi rút SARS-CoV-2, việc này phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ cho biết, khó có khả năng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) gây ra tình trạng đông máu, chuyên gia này cũng bày tỏ ngạc nhiên trước thông tin nhiều quốc gia đã tạm ngừng việc sử dụng vắc xin này.
Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đang tài trợ 10 tỷ USD cho các bang để giúp thực hiện các xét nghiệm ngẫu nhiên tại các trường học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông trên toàn quốc. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhằm giúp các trường học mở cửa trở lại an toàn.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 17-3, các quan chức của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đã nhấn mạnh cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra tại Brazil. PAHO nhận định, một số khu vực tại Brazil đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục. Hơn một nửa số bang ở nước này đã sử dụng hết công suất giường bệnh. Việc kiểm soát vi rút đòi hỏi sự quan tâm của các cơ quan y tế công cộng và các nhà lãnh đạo để bảo vệ người dân và hệ thống y tế.
Châu Âu
Tại Pháp, giới chức y tế thủ đô Paris nhận định tình hình lây nhiễm đang có dấu hiệu trầm trọng hơn, trong bối cảnh vẫn còn nhiều bệnh nhân phải điều trị tại khu chăm sóc đặc biệt. Do đó, việc áp đặt phong tỏa tại vùng Paris vào dịp cuối tuần là chưa đủ để ngăn chặn dịch bệnh.
Ngày 17-3, Ba Lan ghi nhận thêm 25.052 ca mắc Covid-19, đánh dấu số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ đầu năm 2021. Chính phủ nước này đang áp đặt lệnh phong tỏa theo từng khu vực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời cũng xem xét khả năng phong tỏa toàn quốc.
Ngày 17-3, Ukraine đã ghi nhận thêm 289 ca tử vong do Covid-19, cũng là số ca tử vong kỷ lục tại nước này. Ukraine cũng có thêm 11.833 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên gần 1,5 triệu ca.
Châu Á
Ngày 17-3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ quan ngại trước việc số ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi các địa phương có biện pháp nhanh chóng và quyết liệt nhằm đẩy lùi làn sóng lây nhiễm thứ hai. Ấn Độ hiện là nước đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm và đứng thứ tư thế giới về số ca tử vong do Covid-19.
Ngày 17-3, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết, chính phủ nước này đang lên kế hoạch dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do đại dịch Covid-19 tại thủ đô Tokyo vào ngày 21-3 tới. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và các lĩnh vực khác.
Gửi phản hồi
In bài viết