Dịch Covid-19 và câu chuyện rác thải nhựa

- Đại dịch Covid-19 ập đến không chỉ kéo theo những thiệt hại lớn về sức khỏe, kinh tế, mà còn âm ỉ phá vỡ hiệu quả giảm thiểu gánh nặng của rác thải nhựa với môi trường sống trong thời gian qua. Bởi lượng rác thải tăng lên do thay đổi thói quen trong mua sắm, tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày.

Nhiều người nhận định rằng lượng rác từ bao bì, túi nhựa trở thành nỗi lo trong thời gian giãn cách xã hội, khi các dịch vụ mua bán hàng hóa đều qua đóng gói vận chuyển đến tận nơi người tiêu dùng… Tại nhiều địa phương trên cả nước, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, người dân chuyển sang mua hàng về nhà hoặc mua sắm trực tuyến nhiều hơn để hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người. Từ đó làm gia tăng số lượng rác thải nhựa mỗi ngày.

Bên cạnh đó, khủng hoảng dịch bệnh đã làm bùng lên cuộc chạy đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân. Không thể phủ nhận, vai trò của nhựa sử dụng một lần đã là cứu cánh trong cuộc chiến chống lại Covid-19, nhất là các thiết bị bảo hộ y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên hệ quả để lại là hàng ngày trong mỗi khu cách ly, cơ sở y tế, lượng rác thải y tế là một con số không nhỏ.
Tuy nhiên, nhắc đến câu chuyện rác thải giữa tình hình dịch bệnh Covid-19, ngoài vấn đề rác thải y tế cần được xử lý bởi các đơn vị có chuyên môn thì ngay từ bây giờ trong đời sống hàng ngày, mỗi người, mỗi nhà hãy cùng hành động. Chúng ta góp sức mình bằng cách hạn chế phát sinh rác thải sinh hoạt cũng như thu gom rác thải đúng cách, sử dụng vật dụng có nguyên liệu thay thế thân thiện môi trường (cốc giấy, ống hút giấy, cốc tre, ống hút tre…). Mỗi người dân hãy là một tuyên truyền viên thường xuyên tuyên truyền về vấn đề hạn chế rác thải nhựa. Từ đó vừa chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo môi trường xanh sạch, an toàn cho mai sau.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục