Dịch vụ 5G sẽ được các doanh nghiệp viễn thông trong nước triển khai như thế nào, sau khi hoàn tất việc đấu giá tần số, là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận.
Các nhà mạng đã thử nghiệm 5G ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kinh nghiệm quốc tế
Nếu như các công nghệ di động trước chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân thì mạng 5G được coi là nền tảng để phục vụ công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh và được coi là động lực của tăng trưởng kinh tế số. Các quốc gia đang triển khai mạng 5G cũng là những nước thành công trong chiến lược chuyển đổi số các ngành công nghiệp, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Chẳng hạn tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã công bố gói kích thích nền kinh tế “digital new deal” năm 2020, giúp tăng tốc độ chuyển đổi số các ngành nghề. Gói kích thích này trị giá 63,5 tỷ USD được đầu tư vào 3 hạng mục. Trong đó, DNA (data-network 5G-AI) được đưa vào nền kinh tế, gồm tích hợp tập dữ liệu (data damp) vào ứng dụng, tích hợp 5G, AI (trí tuệ nhân tạo) vào các ngành công nghiệp, chính phủ điện tử, an ninh mạng. Riêng nội dung này được đầu tư 48,1 tỷ USD. Kết quả, chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ Hàn Quốc tăng từ hạng 26 (năm 2019) lên thứ 6 (năm 2023). Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dữ liệu cũng tăng từ 393 lên 1.126 đơn vị. Đặc biệt, hơn 150.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ từ Chính phủ (sử dụng miễn phí chứng từ điện tử, tặng voucher sử dụng các nền tảng dịch vụ dữ liệu, AI, đám mây). 25.000 nhà máy, 17.000 cửa hàng được thông minh hóa.
Tại Trung Quốc, mạng 5G ra đời được đồng bộ về cơ chế chính sách, chiến lược áp dụng, tạo thị trường IoT (internet vạn vật) và ứng dụng mạnh mẽ đối với các ngành kinh tế khác nhau. Chính phủ Trung Quốc đã giao 10 cơ quan nhà nước (trong đó có Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin) ban hành Kế hoạch hành động “Cánh buồm” để ứng dụng 5G trong giai đoạn 2021-2023, với mục tiêu tạo hệ sinh thái mới, đạt đột phá kép về ứng dụng 5G trong các lĩnh vực trọng điểm. Kết quả, tỷ lệ thâm nhập của ứng dụng 5G trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn đạt trên 35%. 5G được nhân rộng trên quy mô lớn trong sản xuất, cung cấp điện, khai thác mỏ hay thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và nâng cấp các ngành nông nghiệp, thủy lợi…
Cung cấp 5G theo hướng mạng dùng riêng
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31-3-2022); trong đó đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP (năm 2025) và tối thiểu 30% (năm 2030). Hiện tại, kinh tế số đã đóng góp xấp xỉ 17% GDP.
Trong định hướng cho 3 doanh nghiệp viễn thông lớn (Viettel, VNPT, MobiFone), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, 5G hướng đến các doanh nghiệp, các ngành là chính, do vậy, “nhà mạng” phải đầu tư nghiên cứu, phát triển các dịch vụ mới.
Triển khai dịch vụ mạng di động 5G, tháng 7-2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) công bố thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dành riêng ở Nhà máy Pegatron Hải Phòng. Đến cuối năm 2023, Viettel đã chuyển giao hệ thống 5G dùng riêng cho đối tác Ấn Độ để cung cấp dịch vụ tại thị trường nước bạn. Theo các chuyên gia, mạng 5G dùng riêng là xu thế đang phát triển nhanh trên thế giới. Hệ thống này đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho tàng, bến cảng, sân bay… vốn đòi hỏi khả năng kết nối an toàn, tin cậy mà wifi chưa đáp ứng được.
Đặc biệt, mới đây (ngày 8-3), Viettel thông báo đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500-2600MHz. Đây là “băng tần vàng” được Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch để triển khai công nghệ IMT-Advandced (4G và các công nghệ tiếp theo).
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho biết, việc đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500-2600MHz giúp Viettel phát triển 5G và nâng cao chất lượng cho mạng 4G. Theo lộ trình, Viettel cam kết bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G thương mại theo đúng quy định của bài thầu. Về dài hạn, Viettel xác định, mạng 5G sẽ triển khai với quy mô rộng nhằm tạo nền tảng hạ tầng để kiến tạo kinh tế số, công nghiệp số, xã hội số, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Theo kế hoạch ngày 19-3, vòng đấu giá tần số đối với khối băng tần C2 (3700-3800MHz) sẽ được diễn ra. Ngoài Viettel đã công bố trúng đấu giá, vẫn còn cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông khác tham gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Nguyễn Nam Long cho biết, cùng với việc thử nghiệm 5G VinaPhone tại 16 tỉnh, thành phố, VNPT đã lên kế hoạch cho phát triển các ứng dụng trên 5G. Tập đoàn đã phát triển sản phẩm IoT, smarthome (bộ giải pháp nhà thông minh) và chuẩn bị ra mắt bộ giải pháp nông nghiệp thông minh thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ngành Nông nghiệp.
Còn đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng cho biết đã có các phương án sẵn sàng cung cấp các dịch vụ 5G hiệu quả nhất…
Gửi phản hồi
In bài viết