Dựa trên kết quả khảo sát của một số tổ chức liên quan tới ẩm thực, việc được phong “sao Michelin” giúp tên tuổi của nhà hàng, quán ăn được biết đến nhiều hơn ở trong nước và nhất là ở nước ngoài, cơ hội tăng doanh thu cũng như củng cố thương hiệu.
Thực tế cho thấy điều này: Chỉ vài ngày sau khi Michelin công bố danh sách nói trên, nhiều thực khách trong nước đã tìm tới một số hàng quán có tên trong danh sách để “ăn cho biết”, bất kể là giá cả có phù hợp hay không cũng như không gian, cảnh quan ở mức độ nào. Tại một quán ăn nằm trong danh sách, ngay ngày hôm sau báo chí đã đăng ảnh kèm bài viết cho thấy cảnh nhiều người xếp hàng chờ tới lượt mình được phục vụ, và họ ngồi thành dãy ngay trên vỉa hè chật hẹp để ăn sáng với chiếc ghế nhựa nhỏ được dùng thay bàn. Ở một nhà hàng khác, đắt đỏ hơn, nhiều người đã “vỡ mộng” khi điện thoại đặt bàn và bị từ chối vì quá tải.
Nhìn chung, với sự hiện diện của Michelin Guide và danh sách mà họ đưa ra, báo chí - ở mức độ khác nhau, dè dặt hay phấn khích - đều thừa nhận rằng sự kiện này mở ra cơ hội để ẩm thực Việt được biết tới nhiều hơn ở nước ngoài. Đó là điều có lợi cho không chỉ những nhà hàng, quán ăn đơn lẻ, mà cho cả ngành Du lịch Việt Nam. Nói một cách khác, Michelin đã giúp quảng bá ẩm thực Việt ra nước ngoài, góp phần hỗ trợ chúng ta giải bài toán giới thiệu hình ảnh Việt Nam - “bếp ăn của thế giới”.
Tuy vậy, trong những ngày qua, mạng xã hội đưa ra cái nhìn có sự khác nhất định về “danh sách Michelin”. Trên một số trang cá nhân xuất hiện ý kiến cho rằng những nhà hàng, quán ăn được vinh danh là dành cho người nước ngoài chứ không phù hợp với người Việt Nam. Có những thực đơn quá đắt. Có những suất ăn bình dân khiến người Việt “ăn không hết, phải gói mang về”. Có những điểm ăn uống mà không gian không bảo đảm vệ sinh. Một số cho rằng quán ăn trong danh sách kém xa những cửa hàng mà họ từng lui tới, lo ngại rằng một khi đã được “điểm danh” thì chủ nhà hàng sẽ tăng giá... Đó là chưa kể ý kiến “không phục” uy tín của tổ chức đưa ra bình chọn.
Ẩm thực là vậy, “chín người mười ý”. Với một nhà hàng, quán ăn cụ thể, điểm chạm ẩm thực của khách hàng phụ thuộc vào chất lượng món ăn, khả năng chi trả, sở thích và thói quen trải nghiệm... Không quán ăn, nhà hàng nào có thể thỏa mãn nhu cầu của tất cả nếu khách hàng lựa chọn điểm đến cùng lúc dựa trên một loạt tiêu chí cơ bản như chất lượng món ăn và thái độ phục vụ, giá cả, sự phù hợp về không gian, cảnh quan...
Với những địa điểm ẩm thực vừa được Michelin “tặng sao” - bao gồm Tầm Vị, Gia, Hibana by Koki và Anăn Saigon, đa số người trong nước thậm chí không có cơ hội một lần trong đời tới đó để thưởng thức và đưa ra nhận xét của mình. Nhưng, như thế không có nghĩa những điểm đến ẩm thực này không tăng được sức hút đối với thành phần khách hàng trong nước rủng rỉnh tiền bạc cũng như doanh nhân và du khách nước ngoài.
Michelin Guide, như đã được đánh giá một cách rộng rãi, là một thương hiệu toàn cầu uy tín trong việc quảng bá ẩm thực và đưa ra chỉ dẫn về điểm đến ẩm thực đáng tin cậy cho những ai ra nước ngoài. Nói một cách khác, những nhà hàng Việt Nam được Michelin “tặng sao” cũng như đưa vào danh sách “nơi ăn ngon với giá phải chăng” có sức hút rất lớn đối với du khách quốc tế, có tác động nhất định tới con số chi tiêu và khoảng thời gian lưu trú tại điểm đến của họ.
Truyền thông, bao gồm tất cả các định dạng, có sức tác động mạnh mẽ đến thương hiệu ẩm thực của cá nhân, tổ chức, thậm chí là của quốc gia. Việc xuất hiện ý kiến trái chiều về “sự kiện Michelin” cho thấy sự quan tâm rất lớn của người Việt đối với vấn đề ẩm thực. “Điểm chạm” khác nhau thì ý kiến khác nhau, chỉ có điều cần lưu ý rằng hiệu quả lớn nhất, quan trọng hơn cả là việc được Michelin “phong sao” sẽ giúp tên tuổi nhà hàng, quán ăn Việt Nam vượt ra ngoài biên giới. Những cuốn sách hướng dẫn ẩm thực “Michelin Guide Vietnam” là một gợi ý đáng tin cậy đối với du khách thế giới, dẫn nhiều người đến với du lịch ẩm thực Việt Nam - điều mà chúng ta mong mỏi.
Gửi phản hồi
In bài viết