Điểm tựa phát triển sinh kế
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế, xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện. Ngoài ra, để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp bình xét, công khai theo danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm để giải ngân nhanh chóng, kịp thời đưa vốn vào sản xuất.
Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, người dân huyện Hàm Yên đã đẩy mạnh đưa các cây, con giống mới cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều cây, con mới lần đầu tiên được xuất hiện và phát triển tại địa phương, như trồng rừng, trồng chanh tứ thì, cam,… Cùng với đó, những tiềm năng, thế mạnh của địa phương được phát huy, giúp nhân dân toàn huyện cải thiện cuộc sống. Việc triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện đã góp phần giúp huyện giảm được từ 2-3% tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm. Giai đoạn 2019-2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 4.753 hộ xuống còn 3.362 hộ, giảm 4,75 %.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên kiểm tra sử dụng vốn vay theo Quyết định 128 về làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Thuốc Thượng, xã Tân Thành.
Phó Giám đốc Phòng Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên Phạm Thị Ngọc Quỳnh cho biết, hiện tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt trên 759 tỷ đồng, với 12.907 khách hàng vay vốn. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ có ý nghĩa to lớn, mang tính nhân văn giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sinh kế. Nguồn vốn giải ngân cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt trên 100 tỷ đồng, với hơn 2.000 hộ vay vốn.
Gia đình ông Lý Văn Vinh, dân tộc Dao, thôn Cốc Phường, xã Yên Thuận được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách về trồng keo. Ông Vinh chia sẻ, 5 năm nay, gia đình được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng CSXH đã giúp có vốn đầu tư làm đất, mua giống, phân bón…để trồng những ha keo đầu tiên. Đến nay, diện tích rừng sản xuất lên đến 9 ha và bắt đầu cho khai thác quay vòng, trừ các khoản chi phí thu nhập mỗi năm của gia đình gần 100 triệu đồng, với số tiền này một phần để tích lũy, một phần để trả lãi và gốc cho ngân hàng. Nguồn vốn chính sách đúng là điểm tựa để người dân phát triển kinh tế.
Gia đình chị Phạm Thị Hợp được tiếp cận vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn tín dụng CSXH, với số tiền này, gia đình có thêm kinh phí đầu tư cho vườn chanh tứ quý. Chị Hợp chia sẻ, được sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cùng nguồn vốn tích lũy, gia đình đã tiến hành trồng 1.000 cây chanh tứ quý đầu tiên, mua phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất… hứa hẹn cho thu nhập khá thời gian tới. Nguồn vốn tính dụng chính sách đã trở thành điểm tựa cho bản thân nói riêng và người dân Yên Thuận nói chung có thêm điều kiện phát triển sinh kế tăng thu nhập.
Ông Lý Văn Vinh (bên trái) dân tộc Dao, thôn Cốc Phường, xã Yên Thuận vay vốn chính sách phát triển rừng sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Yên Thuận, Ma Văn Tiến khẳng định, nguồn vốn chính sách qua Ngân hàng CSXH huyện thật sự là nguồn lực quan trọng để người dân trong xã đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo. Hiện dư nợ của xã hơn 71 tỷ đồng cho hơn 600 hộ vay vốn đầu tư làm kinh tế, xoá nhà dột nát…
Giúp người dân an cư
Gia đình ông Vi Văn Các, dân tộc Cao Lan ở thôn Hợp Hòa, xã Bằng Cốc là một trong hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ 50 triệu đồng theo Đề án 308 để làm nhà mới, đồng thời được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn CSXH. Ông Các chia sẻ, nhiều năm nay, gia đình ông ở trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa to, gió lớn là cả gia đình lại nơm nớp lo sợ. Sau khi rà soát, gia đình được hỗ trợ tiền cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng, bà con trong thôn, hiện gia đình đang xây dựng được ngôi nhà sàn bằng bê tông với diện tích gần 100m2. Dự kiến trong tháng 12-2024, ngôi nhà sẽ được hoàn thành, gia đình ông sẽ có nhà mới để ở, là động lực rất lớn để ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế để thoát nghèo.
8 hộ dân tộc Mông thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành đang hoàn thiện nhà ở để đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Chị Vàng Thị Xy phấn khởi bảo, “nhờ có nguồn vốn chính sách thông qua Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên mà chúng tôi xây dựng được nhà kiên cố. Hiện các ngôi nhà đang được khẩn trương hoàn thành để vào ở trước Tết. Nhà tôi được vay 40 triệu đồng làm nhà trong 15 năm và 50 triệu đồng làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Đây là động lực để người Mông chúng tôi vươn lên”.
Ông Hoàng Văn Quảng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành cho biết: Thôn 150 hộ, 711 nhân khẩu, dư nợ 2 tỷ đồng với 80 hộ vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế, làm nhà ở, công trình về sinh và môi trường…Nguồn vốn vay đã thực sự là điểm tựa để người dân nghèo vươn lên.
Với những hiệu quả mà nguồn vốn chính sách đem lại đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện Hàm Yên.
Gửi phản hồi
In bài viết