Diễn biến dịch Covid-19 ở mức báo động tại một số nước châu Âu

Anh tiếp tục ghi nhận số liệu đáng báo động về tình hình dịch khi số ca mắc mới Covid-19 trong tuần qua chạm mốc cao kỷ lục kể từ tháng 7.


Người dân xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở London, Anh, ngày 12/4/2021. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Nước này có 333.465 ca mắc mới Covid-19 trong bảy ngày qua, tăng 15% so với tuần trước đó và là mức cao nhất trong một tuần kể từ ngày 21/7. Số ca chết vì Covid-19 tăng 12% trong tuần qua, đưa tổng số ca tử vong lên 139.461 ca - mức cao thứ 2 ở châu Âu.

Tại Romania, tình hình dịch tiếp tục nóng lên khi nước này ghi nhận số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong tháng này, buộc chính phủ phải áp đặt trở lại lệnh giới nghiêm ban đêm và quy định xuất trình "thẻ xanh". Hệ thống y tế của Romania sắp rơi vào tình trạng quá tải, trong bối cảnh nước này có tỷ lệ tiêm vaccie ngừa Covid-19 thấp nhất ở Liên minh châu Âu (EU).

Nga ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 37.678 ca mắc mới và thêm 1.075 ca chết. Thủ đô Moskva sẽ đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu từ ngày 28/10 đến 7/11 và người lao động trên toàn quốc được nghỉ một tuần có lương, để ngăn chặn dịch lây lan.

Tại Ðức, lần đầu tiên kể từ tháng 5, tỷ lệ mắc mới Covid-19 trong bảy ngày, tính đến 23/10, lên tới 100 ca/100.000 người, sau khi số ca mắc gia tăng trong những tuần gần đây. Người phát ngôn Bộ Y tế Ðức cho biết, xu hướng gia tăng số ca mắc thể hiện rõ ở hầu hết mọi nhóm tuổi và dự báo số ca mắc sẽ tăng mạnh trong mùa thu và mùa đông tới. 

Chính phủ Pháp khuyến cáo người dân nên tiêm phòng cúm song song với chủng ngừa Covid-19, qua đó thúc đẩy một trong những đợt tiêm vaccie mùa đông lớn nhất tại nước này. 

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, những người đã tiêm vaccie phòng Covid-19 đầy đủ ít có khả năng lây virus sang người khác. Giáo sư Christopher Byron Brooke tại Ðại học Illinois (Mỹ) cho biết, vaccie có thể hoàn toàn làm giảm sự lây nhiễm. Nhóm nghiên cứu tại Hà Lan cho biết, những người đã tiêm vaccie vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể Delta nhưng khả năng truyền virus sang người chưa tiêm thấp hơn 63%.

Trong khi đó, tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách dỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách xã hội khi đã có hơn 70% số người dân đã tiêm chủng ngừa Covid-19 đầy đủ. Nước này chuẩn bị trở lại trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 11. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ chỉ coi Covid-19 là một trong những bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.

Theo TTXVN

Tin cùng chuyên mục