Diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp tại một số ''điểm nóng'' châu Á

Theo thống kê, tính đến 6h00 ngày 16-5, toàn thế giới đã ghi nhận 163.143.768 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 3.382.491 ca tử vong.


Nước Anh sẽ đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trong bối cảnh biến chủng vi rút SARS-CoV-2
phát hiện ở Ấn Độ đã xuất hiện ở nước này.

Châu Á

Ngày 15-5, Malaysia có thêm 44 trường hợp tử vong do Covid-19, số ca tử vong ghi nhận theo ngày cao nhất từ trước đến nay, trong khi số ca mắc mới vẫn duy trì ở mức hơn 4.000 trường hợp trong ngày thứ tư liên tiếp.

Lào cũng ghi nhận thêm 72 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ qua, trong đó, 51 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Sau 1 ngày chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca nhiễm trong cộng đồng, Lào tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm trong cộng đồng ở mức hai con số tại tỉnh Bokeo và thủ đô Viêng Chăn, lần lượt là 37 và 14 ca.

Bộ Y tế Lào nhận định, nhập cảnh bất hợp pháp vẫn là một thách thức mà Lào đang phải đối mặt và có nguy cơ gây lây lan dịch Covid-19 tại nước này. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Lào đã quyết định nâng mục tiêu tiêm chủng lên 50% dân số ở độ tuổi trên 18 trong năm 2021, thay cho mục tiêu ban đầu là 22%.

Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận 3.095 ca mắc mới, trong đó có 877 trường hợp được phát hiện trong các nhà tù, nâng tổng số các bệnh nhân từ trước tới nay lên 99.145 người. Thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất, với 1.163 ca ghi nhận trong ngày 15-5, tiếp theo là các tỉnh Pathum Thani (222 ca), Samut Prakan (201 ca) và Nonthaburi (126 ca).

Trong một diễn biến tích cực, Campuchia đã ghi nhận ngày thứ tư liên tiếp có số ca mắc mới giảm, trong bối cảnh chính quyền thủ đô nước này quyết định tiếp tục đóng cửa các khu chợ trong thành phố thêm một tuần để đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Theo Bộ Y tế Campuchia, nước này có 335 ca mắc mới trong ngày 15-5, nâng tổng số ca bệnh tại Campuchia lên 21.834 người, trong đó 10.940 trường hợp đã bình phục. Đô trưởng Phnom Penh xác nhận tiếp tục đóng cửa các khu chợ do nhà nước quản lý và chợ cóc trên địa bàn thành phố thêm một tuần, từ ngày 15 đến 21-5.

Trong khi đó, Ấn Độ có 326.098 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, con số thống kê ghi nhận theo ngày thấp nhất trong gần 3 tuần qua, nâng tổng số người mắc Covid-19 ở nước này lên 24,37 triệu ca. Danh sách những người không qua khỏi đại dịch cũng tăng thêm 3.890 trường hợp, nâng tổng số lên 266.207 người.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm trong con số thống kê theo ngày nêu trên chủ yếu là do tỷ lệ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hiện ở mức thấp nhất kể từ ngày 9-5 vừa qua. Ngày 14-5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo, dịch bệnh đang lây lan mạnh tới các vùng nông thôn rộng lớn của nước này.

Tại Nhật Bản, không khí đang đè nặng khi chính phủ nước này phải mở rộng tình trạng khẩn cấp vì đại dịch đã lan ra 3 vùng khác trên cả nước. Như vậy, trong bối cảnh chỉ còn 10 tuần nữa là khai mạc Đại hội Thể thao thế giới Olympic, tình hình dịch bệnh tại nước chủ nhà vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. 

Trong khi thủ đô Tokyo và một số khu vực đã áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp tới hết tháng 5-2021 thì 3 tỉnh khác cũng có các địa điểm thi đấu là Hiroshima, Okayama và Bắc Hokkaido tiếp tục bị đưa vào danh sách áp dụng biện pháp này.

Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), ngày 15-5, đã nâng mức báo động dịch Covid-19 tại thủ phủ Đài Bắc và thành phố lân cận, siết chặt các quy định phòng dịch trong vòng hai tuần sau khi ghi nhận làn sóng ca nhiễm mới lên tới 180 người. Chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa nhiều tụ điểm công cộng như rạp chiếu phim, các trung tâm thương mại - giải trí, hạn chế tập trung đông người với tối đa 5 người trong không gian kín và 10 người ở khu vực ngoài trời. Lần đầu tiên, đeo khẩu trang khi ra đường trở thành quy định bắt buộc. 

Châu Âu

Ngày 15-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, 20 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Tuyên bố được đưa ra trong thời điểm Pháp đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn quốc. 

Trong thông báo trên Twitter, Tổng thống Emmanuel Macron ca ngợi thành tựu trên là "một cột mốc", tương đương khoảng 30% dân số Pháp đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Ngoài ra, ông Emmanuel Macron cũng thông báo gần 9 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều.

Đức đã đưa Anh trở lại danh sách nguy cơ lây nhiễm cao do lo ngại sự lây lan của biến chủng vi rút SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ, biến chủng B.1.617.2. Tuy nhiên, du khách từ Anh tới Đức có thể được miễn cách ly theo quy định mới.

Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết, sự xuất hiện của biến chủng B.1.617.2 tại Anh đang đặt ra thách thức mới, do biến thể này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn vi rút gốc và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách "biến chủng đáng quan ngại".

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson không loại trừ khả năng việc B.1.617.2 xâm nhập vào Anh sẽ khiến quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội tại nước này bị gián đoạn một cách nghiêm trọng, đồng thời cho biết, chính phủ sẽ dựa vào những dữ liệu đánh giá chính thức về mức độ nguy hiểm của biến chủng này để đưa ra quyết định về các bước tiếp theo trong tiến trình mở cửa trở lại. 

Cùng ngày, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) thông báo, Chính phủ Venezuela đã phê duyệt sử dụng vắc xin Sputnik Light của nước này trong trường hợp khẩn cấp để ngăn ngừa dịch Covid-19. 

Châu Mỹ

Tại Mỹ, các quy định đeo khẩu trang đang được nới lỏng với những người đã tiêm phòng đầy đủ, một biện pháp được công bố trong hướng dẫn mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này. Vẫn còn nhiều điều cần được giải đáp xung quanh hướng dẫn mới như cách thức triển khai hay định nghĩa thế nào là tiêm phòng đầy đủ.

Nhiều công ty lớn cũng đưa ra những lựa chọn khác nhau, trong đó hãng bán lẻ hàng đầu Mỹ Walmart ngày 14-5 tuyên bố, sẽ dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang với những nhân viên và khách hàng đã tiêm phòng đầy đủ.

Tuy nhiên, nghiệp đoàn công nhân ngành thực phẩm và thương mại, đại diện cho khoảng 1,3 triệu lao động, lại dứt khoát phản đối và cho rằng, vẫn còn nguy cơ từ những người chưa tiêm phòng và không tuân thủ những quy định an toàn phòng dịch. Về vấn đề này, ngày 14-5, WHO cũng cho rằng, những người đã tiêm phòng vẫn nên đeo khẩu trang tại những khu vực vẫn còn tình trạng lây nhiễm. 

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục