Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021.
Với chủ đề "Một thế giới thay đổi: Chung tay tăng cường quản trị toàn cầu và thúc đẩy hợp tác sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)", Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm hoạt động. Sự kiện được coi là "phiên bản châu Á" của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - nơi tập trung nhiều nhà lãnh đạo chính phủ, quan chức cấp cao và giám đốc điều hành doanh nghiệp.
Trong bối cảnh động lực của kinh tế thế giới giảm sút do dịch bệnh, sự đổi mới và hội nhập trên nền tảng của chủ nghĩa đa phương được xem là chìa khóa giúp các quốc gia khu vực sớm phục hồi và phát triển bền vững. Qua các phát biểu và trao đổi tại diễn đàn, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế nhất trí tăng cường phối hợp trong ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm nguồn vắc xin cho người dân; phục hồi kinh tế thông qua thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, bảo đảm hoạt động của chuỗi cung ứng khu vực...
Về phần mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, nhấn mạnh các nước cần chung tay hành động vì sự phát triển bao trùm, bền vững và an toàn cho mọi người dân. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tăng cường gắn kết là động lực quan trọng để các nước trong khu vực vượt qua khó khăn do dịch bệnh, hướng tới phục hồi bền vững trong thời gian tới.
Nỗ lực này được giới quan sát tin tưởng sẽ tạo ra nhiều đột phá, nhất là trong bối cảnh diễn đàn năm nay đã công bố báo cáo tiêu đề "Triển vọng kinh tế châu Á và tiến bộ hội nhập". Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định, châu Á tiếp tục là động lực chính cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 nhờ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp nhất là 6,5%. Sự phục hồi của khu vực châu Á là tín hiệu đáng mừng cho kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh lục địa này chiếm tỷ trọng kinh tế ngày càng lớn.
Với tư cách là người đứng đầu nền kinh tế số một khu vực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc luôn ủng hộ toàn cầu hóa, hệ thống thương mại đa phương, tăng cường nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc ngăn ngừa và giúp cung cấp vắc xin phòng Covid-19 với giá hợp lý cho người dân tại các nước đang phát triển. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh không bao giờ tìm kiếm bá quyền, bành trướng hay phạm vi ảnh hưởng, cũng như không tham gia vào chạy đua vũ trang.
Các ý kiến phân tích cho rằng, phát biểu mềm mỏng của Chủ tịch Trung Quốc cùng với nỗ lực nối lại Diễn đàn Bác Ngao năm nay cho thấy Trung Quốc đang muốn quảng bá vị thế, thể hiện sự thân thiện nhằm thu hút các nhà đầu tư, đồng thời phát đi thông điệp về việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Bắc Kinh cũng mong muốn hàn gắn mối quan hệ với các nhà đầu tư Mỹ trong bối cảnh căng thẳng kinh tế giữa hai nước vẫn gia tăng, thể hiện qua việc giám đốc điều hành các doanh nghiệp lớn của Mỹ trong đó có Apple, Tesla... đều được mời tham gia diễn đàn. Những mong muốn này tương đồng với nguyện vọng chung của các quốc gia trong khu vực và có lợi cho sự phục hồi, tăng trưởng chung toàn cầu.
Với những thành quả đạt được, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021 đã tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những kênh đối thoại quan trọng của khu vực trong việc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi nguồn lực và ứng phó với những thách thức chung.
Gửi phản hồi
In bài viết