Nguyễn Thị Oanh dù đạt thành tích tốt nhất của cá nhân nhưng vẫn cách xa các đối thủ châu lục.
Tối 2/10, nhà vô địch ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo bước vào thi đấu ở chung kết nội dung nhảy xa. Đây chính là nội dung đã mang về cho Thảo chiếc Huy chương Vàng ở kỳ Đại hội tổ chức trên đất Indonesia hơn 5 năm về trước.
Thế nhưng, đó là thành tích của hơn 5 năm về trước, giờ Thảo đã không còn ở phong độ đỉnh cao, lại bị chấn thương nên hy vọng huy chương của cô khá mong manh.
Bước vào lượt nhảy thứ nhất, thành tích của Thảo không được tính vì cô giẫm vào ván phạm quy. Tương tự ở lần nhảy thứ 2, cô tiếp tục phạm quy và không được tính thành tích, huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Hiếu không thể giấu được sự căng thẳng, lo lắng trên gương mặt.
Bùi Thị Thu Thảo thi đấu nội dung nhảy xa.
Bước vào lượt nhảy thứ 3, Thảo đạt thành tích 6m09. Đây cũng là lần hợp lệ duy nhất của Thu Thảo qua 5/6 lần nhảy. Cô không được tính kết quả các lần nhảy phạm quy. Thành tích này của Thu Thảo kém hơn so với khi cô đoạt Huy chương Bạc SEA Games 32 với 6,13m.
Trong 9 vận động viên đã hoàn thành phần thi, kết quả của Thu Thảo đứng thứ 8, không có khả năng cạnh tranh huy chương.
Trong khi đó, vận động viên người Trung Quốc Xiong Shiqi giành Huy chương Vàng với thành tích 6,73m, vận động viên Sojan Ancy (Ấn Độ) đoạt Huy chương Bạc có thành tích là 6,63m, Huy chương Đồng thuộc về Yue Nga Yan (Hồng Kông, Trung Quốc) với thành tích 6,50m.
* Cùng thời gian thi đấu trên sân vận động Hoa Sen lớn, nhà vô địch SEA Games 32 Nguyễn Thị Oanh cũng vất vả đuổi theo các đối thủ trên đường chạy 3.000m nữ vượt chướng ngại vật.
Các đối thủ của Nguyễn Thị Oanh sở hữu khả năng vượt trội. Đáng chú ý là vận động viên nhập tịch của Bahrain - Yavi Winfred Mutile vừa vô địch giải điền kinh thế giới 2023. Một nhà cựu vô địch thế giới khác trên đường đua này cũng là người Bahrain là Mekonen Tigest Getent.
Các đối thủ còn lại đa số cũng là các vận động viên đẳng cấp châu lục. Chính vì thế, Nguyễn Thị Oanh không đoạt được huy chương ở nội dung này là điều đã được dự đoán từ trước.
Nguyễn Thị Oanh nỗ lực thi đấu nhưng không thể bứt phá tới nhóm dẫn đầu.
Chung cuộc, vận động viên đoạt Huy chương Vàng và phá kỷ lục Đại hội là Yavi Winfred Mutile với thành tích 9 phút 18 giây 28. Đoạt Huy chương Bạc là vận động viên người Ấn Độ Chaudhary Parul với thành tích 9 phút 27 giây 63.
Huy chương Đồng cũng thuộc về vận động viên người Ấn Độ Priti với thành tích 9 phút 43 giây 32. Nguyễn Thị Oanh đứng thứ 6 với thành tích 9 phút 57 giây 13.
Tuy không giành huy chương, nhưng đây là thành tích tốt nhất của Nguyễn Thị Oanh trong năm nay ở đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật, hơn gần 40 giây so với khi cô vô địch SEA Games 32 hồi tháng 5.
* Ở chung kết 200m nữ, chân chạy 18 tuổi Trần Thị Nhi Yến được kỳ vọng tạo nên bất ngờ. Tuy nhiên, trước dàn đối thủ quá mạnh, cô gái trẻ đến từ Việt Nam cũng không thể tạo nên thành tích.
Trần Thị Nhi Yến (đầu tiên từ phải qua) tranh tài cùng các vận động viên châu lục.
Chung cuộc nội dung này, vận động viên người Singapore vừa vô địch giải châu Á - Pereira Veronica đoạt Huy chương Vàng với thành tích 23 giây 03. Vận động viên người Trung Quốc đoạt Huy chương Bạc với thành tích 23 giây 28. Vận động viên đoạt Huy chương Đồng đến từ Bahrain với thành tích 23 giây 48.
Trần Thị Nhi Yến về đích ở vị trí thứ 7 với thành tích 23 giây 85.
Như vậy, ngày thi đấu hôm nay (2/10) của Đoàn Thể thao Việt Nam khép lại với 1 Huy chương Đồng ở môn kurash của vận động viên Võ Thị Phương Thúy khi cô đánh bại đối thủ Turkmenistan và thua võ sĩ Iran ở bán kết hạng cân 87kg nữ.
Gửi phản hồi
In bài viết