Chương trình diễn tập ASEAN - Nhật Bản năm 2021 tập trung vào tình huống "Phối hợp ứng cứu tấn công mạng vào cơ quan nhà nước qua khai thác lỗ hổng VPN và phòng, chống tấn công mã độc tống tiền vào tổ chức y tế" được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong đó có 1 điểm trực tiếp tại Hà Nội là đầu mối giao tiếp với quốc tế và điều phối chương trình diễn tập tới 219 điểm cầu.
Theo ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Diễn tập ASEAN - Nhật Bản 2021 đưa ra các tình huống thực đã và đang xảy ra, đó là tin tặc khai thác lỗ hổng trên thiết bị VPN (mạng riêng ảo) để xâm nhập bất hợp pháp vào mạng của các cơ quan chính phủ và đánh cắp thông tin dữ liệu. Tin tặc dùng mã độc tống tiền, mã hóa dữ liệu, đòi tiền chuộc của các cơ sở y tế ngay trong đại dịch.
Tình huống diễn tập là minh chứng cho việc tấn công mạng liên tục xảy ra và không loại trừ bất kỳ ai. Các quốc gia, tổ chức cần tăng cường các biện pháp bảo vệ, phối hợp khắc phục, ứng phó khi sự cố xảy ra, nhất là hỗ trợ và bảo vệ cho hệ thống y tế tập trung cho việc chống dịch và cứu chữa bệnh.
Cũng theo ông Hoàng Minh Tiến, ưu tiên chính của diễn tập tại Việt Nam là nhằm nâng cao năng lực phối hợp và ứng phó sự cố của các đơn vị, nắm rõ quy trình xử lý, cách thức liên lạc, phối hợp chia sẻ thông tin với mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia khi có các tình huống tương tự xảy ra trên thực tế. Các đơn vị được tham gia cùng nhau thảo luận, chia sẻ về các phương án ứng cứu, xử lý sự cố nhằm tăng cường khả năng ứng phó sự cố quốc gia.
Kịch bản diễn tập quốc tế ASEAN - Nhật Bản được xây dựng trên cơ sở các tấn công mạng thực tế đã xảy ra và dựa trên các xu hướng mới nhất về công nghệ và các mối đe dọa tiềm ẩn nên diễn tập còn tạo điều kiện nâng cao nhận thức, năng lực cho những người tham gia.
Gửi phản hồi
In bài viết