Dấu ấn lịch sử
Điện Thái Hòa đã được các nhà quy hoạch và thiết kế thời Nguyễn tính toán, định vị ở trung tâm Hoàng thành Huế ngay từ khi xây dựng kinh thành Phú Xuân đầu thế kỷ XIX. Đây là một trong những công trình kiến trúc có niên đại lâu nhất ở cố đô Huế.
Kinh thành Huế được vua Gia Long - người sáng lập vương triều nhà Nguyễn cho khởi dựng năm 1805, kéo dài tới năm 1832 - dưới thời vua Minh Mạng mới cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, các hạng mục công trình kiến trúc ở kinh thành cũng như khu vực Hoàng thành được xây dựng qua nhiều đời vua sau đó. Riêng điện Thái Hòa có vai trò, chức năng và ý nghĩa quan trọng nên được xây dựng rất sớm, cùng thời gian khởi dựng kinh thành Huế.
Năm Gia Long thứ 5 (1806), sau 4 năm làm vua, vua Gia Long mới chính thức lên ngôi sau khi điện Thái Hòa được hoàn thành. Từ đó cho tới triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn, điện Thái Hòa trở thành nơi đăng quang của các vị vua sau này và là nơi thiết triều, cử hành các nghi lễ như lễ Đăng quang (lên ngôi), lễ Vạn thọ (sinh nhật vua), lễ Tứ tuần hoặc Ngũ tuần đại khánh tiết (mừng thọ vua), lễ Hưng quốc khánh niệm (Quốc khánh)... Ngoài ra, đây cũng là nơi thực hiện các nghi thức ngoại giao và đón tiếp sứ thần các nước. Có thể nói, mọi sự kiện quan trọng nhất của vương triều và đất nước đều bắt nguồn từ ngôi điện này.
Điện Thái Hòa nằm trên trục thần đạo của kinh thành và Hoàng thành Huế, ngay phía sau Ngọ Môn. Từ Ngọ Môn - cổng chính của Hoàng thành ở phía nam, qua cầu Trung Đạo bắc ngang hồ Thái Dịch và 3 cấp sân Đại Triều Nghi là tới điện Thái Hòa. Trong suốt hơn 200 năm tồn tại, công trình nhiều lần được trùng tu qua các triều vua nhưng vẫn bảo lưu được kiến trúc và hình thái, đặc biệt là kết cấu và nghệ thuật trang trí.
Điện Thái Hòa có kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc” - một kiểu kiến trúc phổ biến thời Nguyễn, gồm tiền điện và chính điện nối liền với nhau, rộng 1.440m2, mặt tiền 7 gian 2 chái, hệ khung kết cấu được làm bằng gỗ và gạch. Mái lợp ngói hoàng lưu ly, chia làm 3 tầng, trong đó, phần mái giữa và tầng trên có một “cổ diêm” được chia thành nhiều ô hộc trang trí hình vẽ và thơ văn. Cứ một ô hình vẽ lại có một ô đề thơ theo lối trang trí “nhất thi nhất họa” độc đáo.
Hệ thống vì kèo của nhà trước được làm kiểu “chồng rường - giả thủ”. Ngoài vai trò kết cấu đỡ toàn bộ mái ngói, hệ vì kèo này còn tạo nên giá trị thẩm mỹ. Hệ vì kèo nhà sau được làm kiểu “vì kèo cánh ác” đơn giản hơn. Toàn bộ nội thất điện được sơn son thếp vàng mang vẻ đẹp lộng lẫy. Ngai vàng của vua được đặt trên bục gỗ ba tầng, nằm ở chính giữa điện. Sau ngai vàng là hệ thống đố bản ngăn cách, có các cửa đi ở giữa và hai bên.
Ngoài quy mô rộng lớn, kiến trúc tráng lệ, trang trí tinh xảo, điểm nổi bật của điện Thái Hòa là hình tượng rồng - biểu tượng của đấng quân vương và là chủ đề chính trong điện. Hình rồng xuất hiện ở nhiều nơi, với nhiều hình thức thể hiện như rồng chầu trên mái, bậc thềm, cột hay chạm khắc ở các cấu kiện gỗ và ngai vàng... Có thể nói, điện Thái Hòa là nơi rồng bay lượn, là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.
Bảo tồn di sản quý
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An - một chuyên gia lịch sử, văn hóa, kiến trúc hàng đầu của xứ Huế nhận xét: “So với các cung điện ở Huế xưa nay, điện Thái Hòa là công trình quan trọng nhất về vị trí, chức năng, giá trị kiến trúc - nghệ thuật và văn hóa, lịch sử...
Có thể nói, hơn 200 năm tồn tại cùng những thăng trầm của kinh đô, điện Thái Hòa là nơi ghi dấu ấn bao sự kiện của đất nước Việt Nam suốt 13 triều vua nhà Nguyễn”.
Điện Thái Hòa là công trình luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, song song với đó là công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này. Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, thời gian tới, trung tâm sẽ trùng tu, tôn tạo điện Thái Hòa theo phương án tu bổ đã được lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu tại nhiều hội nghị do trung tâm tổ chức. Việc trùng tu điện Thái Hòa không chỉ thể hiện sự quan tâm của các chuyên gia bảo tồn mà còn của người dân xứ Huế và những người yêu di sản với mong muốn gìn giữ di sản cho muôn đời sau.
Gửi phản hồi
In bài viết