Người dân thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) rải vụ trong canh tác rau xanh điều tiết
thị trường trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.
Thay vì trồng chuối tây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như những năm trước, hơn 1 năm nay người dân xã Trung Trực, Kiến Thiết (Yên Sơn) chuyển hướng trồng ngô lấy hạt để chăn nuôi và trồng rừng nguyên liệu. Anh Đào Văn Xuân, thôn 4, xã Trung Trực cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 sản phẩm chuối tây của anh và nhiều bà con trong xã không thể xuất sang thị trường Trung Quốc. Đảm bảo thu nhập, anh Xuân đã chuyển diện tích đất trồng chuối sang trồng ngô lấy hạt; ở những lô đất độ dốc lớn anh Xuân chuyển trồng rừng.
Theo anh Xuân, trước đây anh bán chuối để mua ngô hạt nhập khẩu của các đại lý về chăn nuôi, dịch bệnh Covid-19 lan rộng, ngô khan hiếm, rất may gia đình chuyển hướng trồng ngô, đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi nên thu nhập vẫn ổn định. Cũng như anh Xuân, 57 hộ dân trồng chuối tây trước đây của thôn 4 cũng đã chuyển đổi trồng các loại cây màu, như ngô, đậu tương, dong riềng... lấy nguồn thức ăn để chăn nuôi hoặc trồng rừng.
Không tập trung xuống giống dưa chuột đồng loạt như nhiều vụ trước, HTX gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương) lựa chọn phương án rải vụ tránh lượng sản phẩm thu hoạch vào 1 thời điểm quá nhiều gây ùn ứ, giảm giá trị. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết, những vụ trước HTX xuống giống đồng loạt nhưng hiện nay tình thế thay đổi, HTX xuống giống theo từng đợt, mỗi đợt khoảng 10 - 15 ha, khoảng cách mỗi đợt xuống giống từ 15 - 20 ngày. Theo ông Phúc, mỗi ngày HTX đảm bảo cung ứng vào hệ thống siêu thị tại thành phố Hà Nội từ 8 - 15 tấn.
Đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, từ vụ mùa 2020 đến nay, diện tích cây trồng hàng năm tăng cao, đặc biệt là các cây lương thực, cây làm thức ăn gia súc, rau xanh tăng cao. Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích ngô lấy hạt, ngô làm thức ăn cho gia súc đạt gần 4.400 ha, cao nhất từ trước đến nay; cây lạc đạt trên 1.200 ha; các loại rau xanh, đậu đỗ - mặt hàng thị trường cần nhiều cũng có xu hướng tăng; riêng với cây lúa được giữ vững trên 24.000 ha. Giá các sản phẩm cây lương thực, thực phẩm có xu hướng có lợi cho người nông dân phần nào giúp họ yên tâm sản xuất. Cụ thể, giá ngô hạt chăn nuôi đã tăng từ 6.000 đồng lên 7.500 - 8.000 đồng/kg; lúa gạo cũng tăng từ 13.000 đồng lên 15.000 - 16.000 đồng tùy theo từng loại.
Theo ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất đối với cây trồng hàng năm tương đối thuận lợi, bước đầu mang lại hiệu quả. Lo lắng nhất hiện nay là diện tích cây ăn quả, đặc biệt là sản lượng bưởi, cam đang sắp vào vụ thu hoạch trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất khó lường. Ông Tuyên nhấn mạnh, ngay lúc này các HTX, tổ hợp tác chủ động liên kết tìm kiếm bạn hàng, lên phương án, thực hiện các chính sách kích cầu, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất.
Gửi phản hồi
In bài viết