Dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch Covid-19: Vẫn cần hết sức thận trọng

Thực tế đã chứng minh dịch Covid-19 diễn biến vô cùng khó lường, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm hơn. Dù việc tiêm chủng vắc xin đã giúp mang lại những tín hiệu lạc quan, song các quốc gia vẫn cần hết sức thận trọng khi quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, tránh mạo hiểm đánh đổi những thành quả vất vả đã đạt được trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19.


Nhiều khu vực tại Mỹ chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca mắc mới Covid-19.

Chỉ 2 tuần sau khi hầu hết các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, Hà Lan đã phải tái áp đặt các hạn chế đối với quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm nhằm ngăn chặn các ổ dịch Covid-19 ở thanh niên. Chính phủ Hà Lan cũng hủy bỏ tất cả các lễ hội và sự kiện tập trung đông người đến ngày 14-8. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thừa nhận, việc dỡ bỏ hạn chế phòng dịch ở nước này là quá sớm, đồng thời xin lỗi khi số ca nhiễm mới tăng lên tới hơn 10.000 trường hợp mỗi ngày vào giữa tháng 7, mức cao nhất kể từ đầu năm 2021.

Tại Mỹ, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin quy mô lớn, nhiều bang đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, như bỏ các quy định về đeo khẩu trang, cho phép doanh nghiệp mở cửa trở lại... Vào tháng 6 vừa qua, bang California đông dân nhất nước Mỹ tuyên bố mở cửa trở lại trong khi bang New York dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế phòng dịch khi tỷ lệ tiêm chủng đã đạt 70%. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về sự lây lan của biến chủng Delta, nhất là ở một số bang đạt tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tại thành phố New York, số ca mắc mới đã tăng hơn 30% trong 1 tuần.

Từng được coi là câu chuyện thành công trong ứng phó với dịch Covid-19, vào tháng 6, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch cho phép người đã tiêm vắc xin ra ngoài trời mà không cần đeo khẩu trang, nới lỏng quy định về thời gian mở cửa hàng và các buổi tụ tập quy mô nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo dường như Hàn Quốc mất cảnh giác quá sớm khi phần lớn dân số nước này chưa được tiêm vắc xin. Hiện Hàn Quốc đang phải đương đầu với làn sóng bùng phát dịch được đánh giá là tồi tệ nhất từ trước đến nay. Số ca mắc hằng ngày cao kỷ lục buộc Chính phủ nước này phải thắt chặt lại các quy định về giãn cách xã hội trên khắp cả nước.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã triển khai hoặc lên kế hoạch nới lỏng phong tỏa, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan kêu gọi không nên vội vàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để tránh mất đi những thành quả đã đạt được. Ngày 28-7, nhóm các nhà khoa học tại Đại học East Anglia và Viện Earlham của Anh cảnh báo, việc nới lỏng biện pháp hạn chế có thể tạo điều kiện cho vi rút SARS-CoV-2 sản sinh rộng hơn và “mở đường” cho sự xuất hiện của các biến chủng mới với khả năng kháng thuốc kháng sinh bởi vi rút luôn biến đổi để thích nghi với điều kiện mới.

Mặc dù vắc xin đã làm suy yếu nguy cơ tử vong do nhiễm bệnh, song điều này là chưa đủ để tạo ra sự thay đổi rộng rãi trong chính sách đối với các quốc gia đang có sự gia tăng theo cấp số nhân về số lượng ca nhiễm mới. Ngay cả ở các quốc gia có chương trình tiêm chủng hiệu quả, một tỷ lệ đáng kể người dân, đặc biệt là trẻ em vẫn chưa có được “tấm lá chắn”. Các chuyên gia khuyến cáo, các nước nên duy trì những hạn chế chống dịch Covid-19 cho đến khi tiêm chủng đầy đủ cho người dân hoặc đạt miễn dịch cộng đồng.

Cả thế giới đều mệt mỏi vì các biện pháp phong tỏa, hạn chế kéo dài. Tuy nhiên, bất kỳ sự lơ là, mất cảnh giác nào cũng sẽ phải trả giá và là cơ hội tốt để vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục tấn công, khiến cuộc chiến chống dịch trở nên khó khăn hơn.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục