Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022 toàn tỉnh có 148 trường mầm non công lập, 4 trường mầm non ngoài công lập và 44 nhóm trẻ tư thục. Những năm gần đây, số trẻ mầm non đến tuổi ra lớp liên tục tăng, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp, trung tâm huyện, thành phố. Số lượng trẻ tăng đồng nghĩa phải gia tăng lớp học và trường học, nhu cầu bổ sung giáo viên cũng theo đó tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay một số trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh đang gặp phải một số khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên vì nhiều lý do như: công việc vất vả, lương thấp và do nghỉ dịch quá lâu, trong khi các bậc học khác có thể chuyển đổi hình thức dạy và học trực tuyến thì bậc học mầm non đóng cửa hoàn toàn, giáo viên mầm non hầu như không có thu nhập đảm bảo.
Chị Phùng Thị Hoa, Chủ nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục Ban Mai Xanh (TP Tuyên Quang) cho biết: hiện nay chị đã thành lập 5 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trên địa bàn thành phố. Đến nay có 350 trẻ đang học tập tại 5 cơ sở. Thời gian này chị đang chuẩn bị khai trương thêm 1 cơ sở, nhưng đến nay đang gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên có tâm huyết với nghề.
Một tiết học ngoại khóa của cô và trò cơ sở Mầm non tư thục Ban Mai Xanh (TP Tuyên Quang).
Tương tự, chị Vũ Lan Hương, chủ Nhóm trẻ tư thục Hoa Mai có cơ sở tại thị trấn Lăng Can và xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, sau một thời gian tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ sở gặp không ít khó khăn do phải chi trả một khoản tiền để giữ mặt bằng trường lớp, đóng bảo hiểm cho giáo viên. Khi mới mở cửa trở lại, vấn đề thiếu giáo viên, thiếu nguồn tài chính để tiếp tục duy trì, trả lương giáo viên cũng là một thách thức lớn với cơ sở. Sau khi các nhóm trẻ quay trở lại hoạt động có 80% giáo viên là quay trở lại làm việc, số còn lại đã chuyển làm công việc khác. Hiện nay, sau hơn 2 tháng quay trở lại hoạt động sau đợt nghỉ dịch, ở cả 2 cơ sở vẫn đang tiếp tục tuyển dụng để đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo yêu cầu.
Theo tìm hiểu, ngoài lý do nghỉ việc bởi dịch bệnh thì đa phần giáo viên hiện không mặn mà với nghề bởi lương thấp, tính chất công việc tương đối vất vả, chế độ cho người lao động là giáo viên chưa đáp ứng được nguyện vọng.
Dù nhận được khoản hỗ trợ từ Nhà nước và từ phía cơ sở giáo dục, nhưng do nhiều tháng nghỉ dạy không lương nên nhiều giáo viên bỏ hẳn, tìm một công việc khác cho mình vì không cầm cự được. Chị Long Thu Hương từng là giáo viên của Nhóm trẻ tư thục Sơn Ca, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) chia sẻ: chị đã gắn bó với công việc giáo viên 3 năm tại Nhóm trẻ tư thục Sơn Ca. Tính chất công việc tương đối vất vả, thời gian làm việc kéo dài đến 10 tiếng/ngày, 1 tuần chỉ nghỉ ngày chủ nhật và chịu nhiều áp lực của công việc. Đợt dịch kéo dài vừa qua chị đã tạm gác công việc này để tìm công việc mới. Đến nay công việc mới cũng ổn định nên chị quyết định không quay lại công tác nữa.
Năm học 2019 - 2020, do ảnh hưởng do dịch Covid-19, các trường học phải tạm dừng hoạt động trong những khoảng thời gian nhất định để phòng, chống dịch. Trong những tháng nghỉ, các trường mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ không có nguồn thu, giáo viên không đảm bảo thu nhập... Đây cũng là một trong những nguyên do mà dù các trường mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ đã cải thiện chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên nhưng chưa thực sự hiệu quả, giáo viên vẫn mang tâm lý e ngại, vẫn tìm cơ hội thi tuyển giáo viên vào các cơ sở giáo dục công lập hoặc tìm công việc đảm bảo thu nhập cho cuộc sống.
Theo đồng chí Vũ Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong công tác tuyển giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Vì vậy, để thu hút giáo viên, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cần có chế độ hỗ trợ giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị để giáo viên yên tâm công tác tại trường, đặc biệt là nâng cao mức lương, thưởng phù hợp với thâm niên làm việc của cô giáo, từ đó khuyến khích giáo viên gắn bó với nghề.
Gửi phản hồi
In bài viết