Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Thế Giang, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Tuyên Quang nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, có tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 448.556 ha, chiếm 76% diện tích tự nhiên. Diện tích rừng hiện có của tỉnh là 426.204,77 ha, chiếm 7,93% so với các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; chiếm 2,89% so với cả nước.
Kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật: Hằng năm trồng được trên 11.000 ha rừng, thuộc những tỉnh tốp đầu có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước; hình thành vùng rừng trồng nguyên liệu gỗ, giấy ổn định trên 190.000 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn trên 85.600 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 65,18% (đứng thứ 3 cả nước); hằng năm khai thác trên 1,1 triệu m3 gỗ, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ khai thác; diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững đứng thứ nhất toàn quốc, đạt 83.231 lượt ha, trong đó: cấp mới 57.865 ha; cấp lại 25.366 ha.
Năm 2021, tỉnh đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới 5/5 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ; có 3 sản phẩm gồm: Giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa; ván công nghiệp và sản phẩm đồ gỗ từ gỗ rừng trồng của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam; các sản phẩm của ngành lâm nghiệp ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại, mẫu mã.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Các mặt hàng chủ yếu là đồ gỗ gia dụng, giấy đế, giấy in, giấy viết, giấy phô tô, đũa gỗ, bao bì giấy, gỗ keo ván sàn, gỗ ván ép, viên nén xuất khẩu được xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường Mỹ, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, đem về nguồn thu ngoại tệ lớn cho tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến lâm sản (theo giá so sánh năm 2010) năm 2024 ước đạt 4.791 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2024 dự kiến đạt 47,7 triệu USD.
Ngày 31-12-2023, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Ðề án "Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ".
Tại buổi làm vệc, Thứ Trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị ghi nhận: Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang có tiềm năng phát triển mạnh và trở thành ngành kinh tế quan trọng. Vì vậy xây dựng Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” là đúng đắn.
Tuy nhiên cần thống nhất quan điểm Đề án phải xây dựng theo cấp có thẩm quyền; không thay đổi tên đề án, hướng phát triển theo phát triển lâm nghiệp bền vững; không được phát sinh bộ máy, biên chế; những nội dung nào xây dựng công nghệ cao phải ứng dụng công nghệ cao để không chỉ phát triển lâm nghiệp gia tăng giá trị mà còn nhiều giá trị khác.
Các đại biểu dự buổi làm việc.
Tỉnh Tuyên Quang đã có quy hoạch phát triển ngành lâm nghiệp, đủ các điều kiện pháp lý thì tỉnh nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh tự phê duyệt đề án. Đồng chí Thứ Trưởng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ủng hộ hết sức để tỉnh Tuyên Quang thực hiện đề án.
Đồng chí cũng đề nghị tỉnh Tuyên Quang thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp; quan tâm thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp trong giai đoạn 2026-2030; xây dựng đề án ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ nhanh chóng hoàn thiện đề án theo góp ý của Đoàn công tác, đảm bảo tính phù hợp để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, đem lại giá trị gia tăng cho người dân được hưởng lợi.
Gửi phản hồi
In bài viết