Làm việc với Đoàn có đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể liên quan.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Tỉnh Tuyên Quang có 332.789 hộ, dân số 1.349.633 người, với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số 7.467 hộ với 29.716 nhân khẩu, chiếm 2,2% dân số toàn tỉnh. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, đến cuối năm 2023 số hộ nghèo là 30.142 hộ, chiếm tỷ lệ 14,03%; hộ cận nghèo 13.993 hộ, chiếm 6,51% tổng số hộ toàn tỉnh.
Đến hết tháng 11-2024, nguồn vốn từ ngân sách CSXH toàn tỉnh cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 20,7 tỷ đồng, đạt 103,5% kế hoạch được giao năm 2024. Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh là 12 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch được giao tăng trưởng năm 2024; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện là 8,7 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch được giao tăng trưởng năm 2024.
Tỉnh còn 3 đơn vị huyện, thành phố chưa cân đối chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương sang Ngân hàng CSXH để cho vay đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Doanh số cho vay hết tháng 10-2024 là 1.092,8 tỷ đồng, tăng 325,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với 21.254 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đến hết 10-2024 là 4.399,8 tỷ đồng, tăng 190,7 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ toàn chi nhánh đạt 4,9%, hoàn thành 97,4% kế hoạch tăng trưởng được Trung ương giao. Dư nợ bình quân 1,854 tỷ đồng/Tổ tiết kiệm và vay vốn; dư nợ bình quân 45 triệu đồng/khách hàng.
Đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng; chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Đồng thời kiến nghị, đề xuất NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cân đối bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn theo kế hoạch xây dựng hằng năm và giai đoạn, nhất là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội và cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP...
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam đã ghi nhận những nỗ lực mà tỉnh Tuyên Quang thực hiện tín dụng chính sách. Đồng chí đề nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tiếp tục quán triệt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Đồng thời tiếp tục nêu cao vai trò của các thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp, nhất là trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách; chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương cảm ơn HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam đã luôn quan tâm giúp đỡ tỉnh Tuyên Quang trong việc hỗ trợ các nguồn vốn vay chính sách, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Đồng chí mong muốn, trong thời gian tới HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách, trong đó ưu tiên bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và chương trình cho vay làm nhà cho hộ nghèo.
Đồng thời tiếp tục có cơ chế tín dụng mang tính chuyển tiếp theo hướng tiếp cận cơ chế lãi suất thị trường để tạo điều kiện cho người dân các xã ra khỏi vùng khó khăn tiếp tục có vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đối với các xã đã ra khỏi danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ có mức sống trung bình theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện cho các hộ có mức sống trung bình tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững…
Gửi phản hồi
In bài viết