Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực phòng, chống dịch
Thảo luận vào nội dung trên, đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh việc đề ra chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội tại thời điểm này là rất đúng, rất trúng, phù hợp để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đại biểu bày tỏ đồng tình với 5 nhóm giải pháp của Chính phủ đã đề ra, đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường các công cụ giám sát, đánh giá, để các chính sách được thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy được hiệu lực, hiệu quả, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại điểm cầu Tuyên Quang.
Để phát huy vai trò của các tổ chức tín dụng trong mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn cần thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ cho các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trong giai đoạn 2021-2023.
Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhất là khả năng đảm bảo nguồn vaccine để chủ động tiêm phòng cho người dân; gắn công tác phòng chống dịch bệnh với mở cửa nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế tuyến huyện, tuyến xã và trang thiết bị của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm giải quyết 4 tại chỗ, đáp ứng được khả năng phòng, chống dịch trong dài hạn.
Đồng thời, Chính phủ điều chỉnh linh hoạt các nguồn vốn đầu tư công, bao gồm kế hoạch đầu tư công trung hạn và chương trình. Theo đó, Chính phủ cần phải tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đã được tất cả các cấp, các ngành chỉ ra trong suốt thời gian qua.
Mong muốn sớm có tuyến đường liên kết vùng Tuyên Quang - Hà Giang
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng. Đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tác động lan toả lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, như xây dựng được các tuyến đường cao tốc Bắc Nam; các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; tuyến tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng; cao tốc Sơn La - Điện Biên; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các cảng biển, sân bay, trung tâm thương mại lớn, phát triển quỹ đất, tạo công ăn việc làm cho người lao động…
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chú ý gắn kết việc phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược với mục tiêu kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, cũng như giải quyết các vấn đề đang đặt ra hiện nay như các tuyến kết nối cửa khẩu với các trung tâm sản xuất, kết nối giữa các cửa khẩu với nhau và nâng cao năng lực các tuyến vành đai biên giới phía Bắc.
Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia thảo luận tại phiên họp.
Tại phiên họp này, một lần nữa đại biểu tiếp tục nêu mong muốn của cử tri và nhân dân 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đối với việc xây dựng tuyến đường liên kết vùng Tuyên Quang - Hà Giang. Đại biểu nhấn mạnh, ở khu vực miền núi phía Bắc, việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng Hà Giang với Tuyên Quang là hết sức cần thiết và hoàn toàn đáp ứng được các nguyên tắc, yêu cầu đặt ra. Vì hiện nay Quốc lộ 4B vành đai biên giới trục ngang qua các cửa khẩu các tỉnh cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh… Đây là cách tiếp cận rất hay, rất đúng và rất trúng của Quốc hội, Chính phủ đã luôn đi trước một bước, đã làm từ sớm từ xa.
Hiện nay giai đoạn 1 tuyến đường Tuyên Quang - Hà Giang được đầu tư xây dựng đoạn nối từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai tại Phú Thọ lên Tuyên Quang; việc đầu tư kết nối đoạn còn lại nối từ Tuyên Quang lên cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang chính là thực hiện các mục tiêu của Đảng đã đề ra, đó là phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, không chỉ cho 2 tỉnh Tuyên Quang-Hà Giang mà còn cho cả vùng trung du miền núi phía Bắc.
Đại biểu phân tích: hiện nay 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đều đã đưa việc đầu tư dự án này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Về hồ sơ cơ bản đã chuẩn bị xong và đã sẵn sàng chủ động thực hiện các nhiệm vụ về giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tuyến đường này phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454, ngày 01/9/2021. Do vậy, việc đầu tư tuyến đường này là phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025.
Trước Quốc hội, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ nguyện vọng của cử tri trong tỉnh về mong muốn được đầu tư tuyến đường này, đồng thời cũng là chuyển tải khao khát của cử tri, nhân dân các tỉnh trong khu vực, kính mong Quốc hội xem xét, ủng hộ để tuyến đường sớm được đưa vào đầu tư xây dựng.
Gửi phản hồi
In bài viết