Đoàn ĐBQH tỉnh: Một nhiệm kỳ tích cực

- Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều đổi mới, tích cực tham gia công tác xây dựng pháp luật, góp phần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

Đa dạng hình thức lấy ý kiến

Đồng chí Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: căn cứ Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng vào các dự án Luật. Trong điều kiện hầu hết ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm và không phải ĐBQH nào cũng có đầy đủ kiến thức trên nhiều lĩnh vực mà các dự án luật điều chỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lắng nghe các chuyên gia, luật sư, luật gia, các nhà quản lý, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân của tỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật. Với phương thức chính là tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, thành phần chủ yếu là các chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và gián tiếp của văn bản luật sẽ ban hành. Đoàn ĐBQH tỉnh phân công các đại biểu trong đoàn am hiểu về lĩnh vực mà dự án luật điều chỉnh tham dự các buổi hội thảo để ghi nhận các ý kiến đóng góp, làm nòng cốt chuẩn bị nội dung tham gia thảo luận tại kỳ họp Quốc hội.


Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân, các ngành, các cấp đối với một số dự án Luật quan trọng. Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên đổi mới phương thức tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo dự án Luật, như: thành phần lấy ý kiến được mở rộng, lấy ý kiến cơ quan, đơn vị; các chuyên gia; lãnh đạo, công chức thực hiện công việc có liên quan trực tiếp đến quy định của dự án Luật...

Hình thức lấy ý kiến thường xuyên được đổi mới từ gửi văn bản trực tiếp tới thủ trưởng cơ quan, đơn vị để lấy ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo luật và tổ chức hội thảo xây dựng Luật tại trụ sở Đoàn ĐBQH tỉnh; tổ chức hội thảo xây dựng luật kết hợp với tiếp xúc cử tri chuyên đề tại cơ quan, đơn vị trực tiếp thuộc đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật... Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận thêm được nhiều ý kiến tham gia góp ý thiết thực và có chất lượng, sát thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nói chung và của Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng.

Theo tổng hợp của Đoàn ĐBQH tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 80 lượt lấy ý kiến cho các dự án Luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại các kỳ họp của Quốc hội. Trong đó, 57 lượt lấy ý kiến góp ý bằng văn bản tham gia góp ý vào các dự thảo dự án Luật. Qua các hội nghị, Đoàn đã ghi nhận 1.156 ý kiến đóng góp gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của Đoàn ĐBQH tỉnh, cũng như các đại biểu Quốc hội của Đoàn phát biểu ý kiến, tham gia tại các phiên thảo luận.

Thảo luận sôi nổi, trách nhiệm

Hình ảnh thường thấy trong mỗi kỳ họp là sự tham gia thảo luận sôi nổi, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tỉnh tại các phiên thảo luận ở hội trường cũng như ở tổ. Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã thẳng thắn góp ý với ban soạn thảo về những tồn tại, bất cập trong công tác xây dựng luật cũng như đánh giá tác động của việc sửa luật đối với xã hội. Đơn cử như việc góp ý vào Bộ luật Lao động sửa đổi, đại biểu Ma Thị Thúy đã thẳng thắn cho rằng quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động trong dự thảo luật là 48 giờ/tuần là cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Đại biểu đề nghị Quốc hội quy định cụ thể thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 40 hoặc 44 giờ/tuần, vì nếu chỉ quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ như trong dự thảo thì không giải quyết được vướng mắc một cách triệt để và không đồng đều giữa các doanh nghiệp.

Nhiều dự án Luật khác như Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên... cũng được các đại biểu trong đoàn tham gia góp ý vào nhiều nội dung để ban soạn thảo tiếp thu. Đoàn ĐBQH tỉnh luôn chuẩn bị kỹ các nội dung để tham gia có trách nhiệm vào chương trình nghị sự của mỗi  kỳ họp. Trước kỳ họp, Đoàn đã lấy ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan vào các dự thảo luật. Đoàn cũng phân công các đại biểu Quốc hội trong đoàn nghiên cứu chuyên sâu để có những ý kiến tham gia có chất lượng vào các dự thảo luật trình tại các kỳ họp Quốc hội. 

Sau các kỳ họp Quốc hội Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Đồng thời, tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật sau kỳ họp cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân biết thực hiện.

Bài, ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục