Các đại biểu dự họp.
Các đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã nỗ lực trong ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; các quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được sửa đổi, bổ sung; Chính phủ điện tử, hệ thống thương mại điện tử tiếp tục phát triển… Nhờ đó, thủ tục hành chính, năng lực cạnh tranh được cải thiện, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp.
Các đại biểu đánh giá cao tầm quan trọng của công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đây là điều kiện để tạo dư địa cho tăng thu ngân sách nhà nước. Đại biểu nhấn mạnh quan điểm lãng phí còn nghiêm trọng hơn tham nhũng, vì vậy thực hiện tốt chủ trương này là tiền đề để có nguồn lực cho các dự án quan trọng khác là rất cần thiết. Các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập hiện nay như việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn bất cập, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm. Ngoài ra, Chính phủ đã nêu trong báo cáo một số trường hợp phải đi thuê nhà thương mại trong khi quỹ nhà công vụ còn có thể bố trí được. Công tác kiểm kê đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh còn chậm. Vì vậy, các đại biểu cho rằng cần tiết kiệm tổng thể từ nhân lực, vật lực, tài lực.Tiết kiệm thực hành, chống lãng phí cần được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Các ngành chức năng kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công; triển khai nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tài nguyên; chấn chỉnh việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng; ban hành nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và sử dụng hiệu quả chất thải tại các khu công nghiệp, nhà máy, nguồn tài nguyên nước Quốc gia.
Gửi phản hồi
In bài viết